Đến giờ, khi tết đã trôi qua nhưng nhớ lại chuyện gói giò, chỉ là để cho vơi đi phần nào nỗi nhớ nhà trong những ngày đặc biệt ấy, mình lại không khỏi phì cười. Chả là mấy ngày tết cổ truyền, mình cứ như người mất hồn, thân một nơi mà hồn một nẻo, đi lại dật dờ như cái bóng. Sáng đó, mình quyết tâm đi mua mấy cái... tai heo, mũi heo về để gói giò thủ, tự mình làm cho mình bận rộn, được chìm trong cái không khí tết cổ truyền, dù chỉ là tự mình tạo ra, dù chỉ tự mình động viên mình.
Foto: Một góc bán thịt trong siêu thị ở Đức, sggp.org.vn
Nhưng cái việc tự dưng đi mua tai heo, mũi heo ở Đức không hề đơn giản, vì ngày thường chẳng ai mua nên không nơi đâu bán, phải đặt trước ở cửa hàng thịt. Mình đặt phải 3 ngày sau mới có. Sáng thứ sáu, lò mổ trong thành phố mới tiến hành mổ heo đồng loạt, để chuẩn bị thực phẩm cho đầu tuần tới. Các loại động vật sau khi được giết mổ, được phân loại, cân đo, dán nhãn mác, thông tin ngày mổ, hạn sử dụng... lên bao bì sản phẩm, rồi chuyển thẳng về các siêu thị trong thành phố, không hề qua khâu trung gian nào, nên người tiêu dùng được hưởng giá mua rẻ nhất, không phải trả tiền cho quá nhiều khâu trung chuyển và thương lái.
Trong các siêu thị thịt nạc thăn, sườn thăn, chân giò được bán nhiều nhất. Mỡ heo không thấy bán, không biết các lò mổ xử lý phần này đi đâu. Nội tạng heo thấy có gan heo, tim heo, cật heo, tim bò…, bán với giá rẻ như cho, vì không mấy người ăn, cũng chẳng mấy người mua. Có lần mình mua hai quả cật về xào cải thìa, lại mua thêm nửa quả tim heo cất tủ lạnh, dự trữ cho hôm sau. Trong khi mình vui vì có đồ ăn thì ông chồng Tây đi đi lại lại, miệng làu bàu “Em ăn uống kiểu gì mà toàn mua những thứ độc hại nhất của con heo về ăn thế? Ở đây không ai ăn tim heo cả, vì nhiều cholestorol, còn cật heo thì càng không. Tất cả các chất thải, độc hại nhất của con heo được lọc qua hai quả cật, còn nằm lại ở đó. Giờ mua về ăn khác nào ăn phần độc hại nhất”. À ừ, chồng nói thì không sai, nhưng nghe cứ tưng tức, vì đôi khi bị đánh trúng tim đen thì cũng cay cú.
Tranh cãi với lão chồng chuyện này, lại nhớ hồi về Việt Nam. Mẹ vợ quê quý con rể, hăm hở đi mua hẳn cái lưỡi heo về để đãi khách. Của đáng tội, bà cứ nghĩ mua thứ đắt nhất, hiếm nhất ở chợ về đãi khách là thể hiện việc hiếu khách, bà đâu biết là con rể từ nhỏ tới giờ chưa bao giờ ăn tới lưỡi heo cả. Cả buổi, chồng phần vì giữ phép lịch sự, phần vì tiếc công mẹ vợ, nên cũng ngồi nhấm nháp. Mẹ vợ còn bàn với con gái sáng hôm sau có nên mua tim cật về nấu cháo tim cật đãi con rể không, con gái biết ý gạt phắt đi. Mẹ vợ ngớ người không hiểu vì sao.Quay lại chuyện mình hăm hở đi mua mũi heo và tai heo về gói giò thủ. Chồng về nhìn thấy cảnh vợ mặt mũi sáng ngời ngồi thái hai cái tai heo còn tươi rói, mới tá hỏa bỏ của chạy lấy người. Sáng hôm sau giò thủ thành phẩm, mình mời chồng ăn, “lão” lắc đầu quầy quậy vì nghĩ lại cảnh ngày hôm qua. Gớm, không hiểu nếu tận mắt nhìn thấy cảnh thương lái chở nửa con heo phanh thây còn nóng hổi vừa ra khỏi lò mổ, chạy xe máy nhong nhong trên đường, thì “lão” còn sợ đến mức nào.
Thế mới biết vợ ta, chồng tây có nhiều điều lệch nhau, nhưng rồi một trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng. Vì cái được nhiều hơn cái mất, nên ta vui vẻ vì nhau thôi.
LÊ MINH THUẬT, sggp.org.vn
Tuỳ bút: Chuyện ăn thịt ở Đức
Tiện ích
Phông chữ
- Font Size
- Default
- Chế độ đọc