Có lẽ từ lâu, câu hỏi „Ở lại Đức hay trở về Việt Nam?“ đã không còn được đặt ra để dành riêng cho những sinh viên Việt Nam sang Đức du học nữa mà câu hỏi đó bây giờ cũng đã trở thành một mối quan tâm lớn đối với thế hệ người Việt thứ hai đang sinh ra và lớn lên ở nước Đức này.
Mới đây tờ báo „Die Zeit“ của Đức cũng đã có một bài viết nói về thế hệ trẻ người Việt ở tiểu bang Sachsen với nội dung rằng học sinh Việt Nam ở Đức rất giỏi nhưng điều đó không có nghĩa là họ sẽ ở lại Đức dù họ được đào tạo và hưởng một nền giáo dục có bài bản ở bên này. Việc sinh viên Việt Nam sang Đức du học và trở về dường như không có gì là mới mẻ bởi những người đó đã được hưởng thụ một nền văn hóa Việt và những suy nghĩ của họ về quê hương cũng có phần khác hơn với những người sinh ra hoặc lớn lên ở Đức. Thế hệ thứ hai ở Đức đứng giữa hai nền văn hóa và đôi khi họ không biết họ thuộc về đâu. Bi kịch của sự mâu thuẫn giữa hai thế hệ bao giờ cũng có nhưng lại kèm sự mâu thuẫn giữa hai nền văn hóa. Có một số ý kiến cho rằng điều kiện sống đóng vai trò chủ yếu và Việt Nam chưa đủ để khuyến khích nhân tài về nước nên họ quyết định ở lại. Những bạn thực tế hơn thì cho rằng cái ý nghĩ về Việt Nam người ta thường gắn với „du lịch“, „chơi bời“, „ăn uống“ nên cảm thấy rất thích khi về Việt Nam và khi quay trở lại Đức thì thường có một chút chán nản vì lại phải vào khuôn khổ của guồng quay cuộc sống, đi học, đi làm. Nhưng nếu xác định ở Việt Nam lập nghiệp lâu dài thì người ta cũng phải lao đầu vào công việc và hầu như cũng sẽ chẳng còn thời gian đề tụ tập, cafe mỗi ngày. Nói chung cái quyết định trở về hay ở lại nhiều khi chỉ cần vài tuần, thậm chí vài ngày đã có thể quyết đinh, có thể vì những lý do hết sức bình thường mà đôi khi người ta không lường trước được. Và suy cho cùng, dường như cái quyết định về hay ở cũng không làm thay đổi những suy nghĩ của các bạn trẻ Việt Nam trong việc muốn đóng góp cho nước nhà, dù là trực tiếp hay gián tiếp.
Phóng viên của Tạp chí Hương Việt đã có một cuộc trao đổi khá thú vị với các bạn sinh viên Việt Nam thuộc thế hệ thứ hai đang sống và học tập ở Đức về chủ đề này. Dưới đây là một vài tâm sự của các bạn trẻ:
P.N.Hà (Berlin)„Mình sinh ra ở Việt Nam nhưng sang Đức khi mình bốn tuổi rưỡi và mình xác định sẽ sống và làm việc ở Đức bởi nhiều lý do. Thứ nhất là vì gia đình và người thân của mình ở bên này và mình muốn được ở cạnh họ, chăm sóc cho họ bởi đó là những người thân yêu nhất cuộc đời mình, mình không muốn xa họ. Thứ hai là bởi vì hệ thống giáo dục đào tạo ở bên này, mình muốn con cái của mình sau này được hưởng môt nền giáo dục tốt, nếu nó đi học và có bằng Đại học của Đức thì đi đâu cũng có thể xin được việc. Ngoài ra điều kiện làm việc bên này cũng khá tốt, nếu ở Việt Nam thì lương khá thấp (trừ khi làm việc cho công ty nước ngoài) và cũng có ít cơ hội đi lại, tìm hiểu và học hỏi về những nước khác. Thứ ba là các vấn đề liên quan đến y tế, khoa học, cứu trợ xã hội, an ninh… Đó là những lý do khiến mình quyết định ở lại bên này và không muốn quay lại Việt Nam sống hẳn, mình chỉ có một ước mơ là được làm một công việc nào đó liên quan đến Việt Nam, ví dụ như đầu tư vào một lĩnh vực nào đó chẳng hạn và mình đang thực hiện nó bằng những bước đầu tiên…“
Nhật Anh (Heidelberg)
„Tôi sinh ra ở Freiberg và đang là sinh viên năm thứ nhất nghành Y ở trường ĐH Heidelberg. Nếu hỏi tôi sẽ ở lại Đức hay trở về Việt Nam thì tôi nghĩ sau khi học xong ở Đức tôi sẽ đi làm một thời gian để kiếm tiền, tiết kiệm một khoản tiền làm vốn rồi về Việt Nam mở bệnh viện và làm việc ở đó. Lý do vì sao ư? Ngay từ khi còn nhỏ tôi nghe bố mẹ tôi kể chuyện rất nhiều về tình hình y tế của Việt Nam. Hàng ngày tôi cũng theo dõi kênh truyền hình VTV4 dành cho người Việt ở nước ngoài nói về cung cách khám chữa và phục vụ bệnh nhân ở Việt Nam. Cụ thể những lần gần đây nhất khi về thăm ông bà tôi tại thành phố Hải Dương (Việt Nam) tôi chứng kiến cảnh rất nhiều bệnh nhân mỗi lần đi khám chữa bệnh đều rất khổ. Họ phải trả tiền khám rất đắt nhưng lại không được phục vụ chu đáo như ở Đức. Tôi rất thương họ và tôi muốn trở về nơi ấy để mở Bệnh viện (nếu điều kiện thuận lợi) để giúp cho người dân ở đây có một nơi chữa bệnh thật chu đáo, từ thuốc men, chăm sóc bệnh nhân cho đến điều dưỡng nhưng không đắt, ai cũng có thể trả được viện phí. Đó là một ước mơ mà tôi luôn khao khát sẽ làm được trong một ngày không xa trong tương lai.„
Vũ Dương Tú (Berlin)
„Mình sang Đức từ khi mình 12 tuổi và hiện đang học Wirtschaftsinformatik ở Berlin. Bản thân Tú, Tú luôn có ý nghĩ là sau khi hoc xong, Tú sẽ ở lại Đức làm việc vài năm để có thêm kinh nghiệm, nhưng cũng muốn đi qua các nước khác học và làm việc nếu có điều kiện với hy vọng là sẽ đủ vững vàng trên đôi chân của mình. Tú cũng đã nghĩ đến việc là một ngày nào đó sẽ về Việt Nam sống và làm việc vì Việt Nam là một đất nước đang trong đà phát triển như một số nước Châu Á khác. Ở đó chứa đựng rất nhiều tiềm năng và cơ hội cho công việc và sự nghiệp. Ngoài khả năng làm việc cho các công ty nước ngoài với mức lương khá cao so với mức sống ở Việt Nam cùng với cơ hội và khả năng thăng tiến nhanh trong công việc (tất nhiên là đòi hỏi người đó phải có trình độ chuyên môn cao và có đầu óc quản lý) còn có một lý do khác nữa đó là điều kiện phát triển dễ dàng hơn rất nhiều so với ở Châu Âu là khi mình cùng bạn bè hay người thân tự mở cửa hàng hoặc công ty. Nền kinh tế Việt Nam đang có mức tăng trưởng khá cao, để đáp ứng được các nhu cầu ngày một tăng của xã hội hiện nay thì cần có thêm nhiều các Services mà hiện nay ở Việt Nam chưa có hoặc chưa phát triển. Đó là một ít trong những lý do khiến Tú nghĩ là mình có thể sẽ trở về.„
Lê Minh Phong (Dortmund)
„Mình sang Đức cùng bố mẹ và em trai khi mình 8 tuổi và hiện đang học về Informatik. Mình không có lý do để về hẳn Việt Nam vì hai lý do. Thứ nhất là vì gia đình mình ở bên này nên mình muốn ở lại cùng họ và thứ hai là vì mình nghĩ về sự nghiệp sau này nếu mình ở lại Đức thì mình sẽ có nhiều cơ hội hơn là về Việt Nam, vả lại mình cảm thấy cuộc sống bên này cũng dễ chịu hơn ở Việt Nam mặc dù mình cũng rất thích về Việt Nam. Hai lý do đó tuy là không nhiều nhưng lại đủ sức mạnh để níu giữ mình ở lại nước Đức này„
Đinh Trọng Tín (Chemnitz)
„Tôi sinh ra ở Đức nhưng cứ khoảng hai năm một lần bố mẹ tôi lại cho tôi về Việt Nam để thăm ông bà nội ngoại ở Hải Phòng, những lần trở về ấy đối với tôi thực sự rất ý nghĩa. Từ năm 2006 tôi đã đi thăm rất nhiều nơi không chỉ ở Hải Phòng mà tôi còn được đi thăm nhiều thành phố lớn khác như Hà Nội, Huế, Thành phố Hồ Chí Minh. Tuy rằng cũng có nhiều công trình xây dựng mới nhưng tôi nhận ra một điều rằng đất nước nơi bố mẹ tôi được sinh ra và lớn lên rất cần đến xây dựng cơ bản theo công nghệ mới vừa hiện đại vừa có hệ số an toàn cao như ở Đức. Bởi thế nên khi còn là học sinh năm cuối ở trường Gymnasium Chemnitz tôi đã có ý định theo học nghành xây dựng cơ bản và khi ra trường tôi muốn thành lập công ty riêng tại Đức và đồng thời sẽ tìm cơ hội về Việt Nam để đầu tư xây dựng cho Việt Nam. Tôi muốn làm cho thành phố Hải Phòng hiện đại và sạch sẽ như ở CHLB Đức„
Hoàng Thị Thu (Rostock)
“Em sắp tốt nghiệp phổ thông ở Đức và em nghĩ sau này em sẽ ở lại nước Đức bởi vì em lớn lên và quen thuộc với môi trường bên này, gia đình và bạn bè em ở bên này, em được nhà trường bên Đức dạy dỗ và em muốn vận dụng những gì em đã học được để sinh sống ở đây. Nhiều người muốn quay về nước lại vì họ muốn góp phần gì đó, xây dựng đất nước mình ngày một tốt hơn. Riêng em, em nghĩ rằng cho dù mình có sinh sống ở đâu đi chăng nữa, nếu có điều kiện, mình có thể giúp đỡ mọi người xung quanh, bất kể là ở Việt Nam, ở Afrika hay ở Đức. Không về Việt Nam không có nghĩa là em mất gốc Việt, em vẫn giữ gìn tiếng nói, thói quen và phong tục của một người Việt“
Huỳnh Thanh Mai (Frankfurt)
„Tạp chí Hương Việt hỏi tôi rằng tôi muốn trở về Việt Nam hay ở lại Đức thì tôi nghĩ câu hỏi đó chưa hợp với cuộc sống của tôi lúc này. Tôi sinh ra ở Đức, mang hai dòng máu Việt - Trung và mới chỉ về Việt Nam hai lần, nhưng tôi cảm thấy mình gắn bó với văn hóa Việt Nam hơn. Tôi có thể hình dung rằng một ngày nào đó sẽ sống và làm việc tại Việt Nam. Phong cách làm việc ở Đức và Việt Nam rất khác biệt nhau và điều đó khiến tôi tôi cảm thấy rất tò mò, đó sẽ là một thử thách lớn đối với tôi. Nền kinh tế Việt Nam đang trên đà phát triển và có rất nhiều công ty Đức có trụ sở tại Việt Nam, sẽ thật thú vị nếu như được làm việc ở đó“
Phạm Tuấn Anh (Karlsruhe)
„Mình sang Đức được 11 năm theo diện đoàn tụ gia đình và hiện đang học năm thứ 3 khoa Kỹ thuật xây dựng thuộc viện công nghệ Karlsruhe. Vì đã có nhiều năm sống ở Việt Nam nên suy nghĩ và những cảm nhận của mình vẫn thiên nhiều về quê hương. Với mình, dù có sống ở đâu và mang quốc tịch gì, thì bản thân vẫn chỉ coi mình là người Việt. Cũng chính vì suy nghĩ như thế, nên mình luôn để quê hương Việt Nam lên hàng đầu trong việc chọn lựa nơi làm việc và phát triển tương lai sau này. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là mình sẽ trở về luôn, ngay sau khi hoàn thành khóa học. Việt Nam là một trong những nước đang phát triển, với số lượng cử nhân, tiến sỹ tương đối nhiều, nhưng thứ mà Việt Nam thiếu là những chuyên gia dày dạn kinh nghiệm. Điều đó thể hiện rất rõ trong việc phải thuê chuyên gia nước ngoài tư vấn hoặc làm việc trong mọi lĩnh vực quan trọng: từ xây dựng cơ sở hạ tầng đến hệ thống an sinh xã hội. Cho nên mình quyết định sẽ ở lại Đức làm việc một vài năm sau khi ra trường để lấy kinh nghiệm và học thêm phong cách sống, tác phong làm việc của người Đức để sau này có nhiều cơ hội làm việc thành công và hiệu quả hơn khi trở lại quê hương“
Mai Thị Diễm Xuân (Augsburg)
„Tôi sinh ra và lớn lên ở Đức nhưng tôi luôn cảm thấy Việt Nam rất gần gũi với mình. Họ hàng tôi đều sống ở Việt Nam và vì lý do kinh tế nên tôi không có điều kiện mỗi năm về thăm họ và nếu có về thì cũng chỉ được vài tuần và những lần như thế tôi lại không muốn quay trở lại Đức nữa. Đó là lý do tôi đã nghĩ đến việc khi học xong phổ thông sẽ về Việt Nam học tập và làm việc nhưng tôi biết mọi thứ sẽ không dễ dàng như tôi nghĩ. Tôi không nói tiếng Việt được hoàn hảo như những bạn trẻ Việt Nam sinh ra và lớn lên ở đó và đó là một trong những trở ngại lớn của tôi. Vì thế nên tôi nghĩ mình sẽ ở lại Đức bởi tôi sinh ra và lớn lên ở đây, đây là quê hương của tôi. Tôi có gia đình, có những người bạn bè thân thiết và quan trọng hơn cả là tôi cảm thấy rất thoải mái với cuộc sống của mình“
Thực hiện: Hoàng Yến Anh, tapchihuongviet.eu
Ở lại Đức hay trở về Việt Nam?
Tiện ích
Phông chữ
- Font Size
- Default
- Chế độ đọc
Bình luận
Mình có Cậu ruột đang sống tại Frankfurt. Cháu nhà mình năm nay học lớp 2. Các em nhà Cậu mình có khuyên nên cho Cháu du học tại Đức bắt đầu từ cấp 2. Mình đang băn khoăn vì chưa có nhiều thông tin cho các cháu đi du học ở lứa tuổi này - nhưng rất muốn con có môi trường đào tạo tốt.
Các bạn đã có thông tin và kinh nghiệm vui lòng cho mình xin chút thông tin về trường Trung học cơ sở (cấp 2) tại Frankfurt hoặc thành phố gần đó. Hoặc bất cứ thông tin gì về chương trình du học từ cấp 2.
Trân trọng cảm ơn!
T.S.Tùng
Dẫu dù chua ngọt, cũng đường ấy đi,
Trời tây, đừng tiếc mà chi,
Thu đông đạp tuyết, có vì tương laì?
Ngày qua, năm tháng chảy dài,
Giật mình, mình thấy, tóc mai điểm mầu,
Hãy về sống giữa tình sâu,
Ngẩn ngơ gõ nhịp "Qua cầu gió bay"
Một thời xa ấy mê say,
Ve ca, phượng nở, đong đầy giấc mơ,
Tình đầu đẹp, tựa bài thơ,
Qua bao năm tháng chẳng mờ trong tim,
Bâng khuâng ta lại kiếm tìm,
Tìm trong ý nhạc khúc chim gọi bầy!
Berlin 2000
luồng RSS cho bình luận của trang này