feed-image

Hãy nhấn „Thích Trang“ để theo dõi tin tức cập nhật của Tạp chí Hương Việt trên trang Facebook của bạn!

BỎ QUA

Op2 1140X206P 1 frame

Phông chữ

Được Viện Goethe Hà Nội và Nhà hát Tuổi Trẻ mời đến Việt Nam dựng vở "Vòng phấn Kavkaz", đạo diễn Dominik Gunther

 

- "Vòng phấn Kavkaz" của nhà viết kịch danh tiếng Bertolt Brecht là một trong những kiệt tác được dàn dựng khắp nơi trên thế giới. Cảm xúc của ông khi dựng vở này ở Việt Nam?

- Tôi có một nguyên tắc là chỉ dựng vở diễn một lần, không bao giờ dựng lại lần thứ hai. Vì thế, đây là lần đầu tôi dựng Vòng phấn Kavkaz, và sẽ không bao giờ dựng lại vở này ở đâu nữa. Bởi thế, những gì tâm huyết, sự sáng tạo, mong muốn của tôi cho vở diễn của Bertolt Brecht, đều dồn cả vào lần này. Cũng như các nghệ sĩ Việt, tôi khá hồi hộp. Tôi hy vọng, khán giả Việt Nam sẽ có một chuyến phiêu du với một phong cách kịch khác lạ.

Đạo diễn Dominik Gunther.

- Tác giả Bertolt Brecht là một nhà thơ, nhà soạn kịch có ảnh hưởng lớn tới sân khấu thế giới, theo ông "Vòng phấn Kavkaz" thể hiện những đặc trưng gì trong phong cách kịch của Brecht?

- Vòng phấn Kavkaz xoay quanh sự ích kỷ của con người. Nhưng trong hoàn cảnh khó khăn, đối diện với loạn lạc, chiến tranh, thiếu thốn... vẫn có một người không chỉ sống cho bản thân mình. Tác giả đặt sức mạnh đồng tiền đối diện với nhân bản, và những câu hỏi, liệu có tồn tại một công lý chung chung, hay tình mẫu tử thể hiện ra sao, ở dạng nào.

Điểm đặc sắc trong phong cách Bertolt Brecht là ông dẫn dắt mọi người vào một câu chuyện không có thật; khiến người xem thích thú, xúc động với tác phẩm hư cấu, và từ đó tìm được triết lý cho mình. Ông không bao giờ viết về một xã hội cụ thể, con người cụ thể, mà chỉ nói lên tính nhân văn, bởi thế tác phẩm của ông có sức sống.

- Làm việc tại Việt Nam, ông nghĩ sao về điều kiện hoạt động sân khấu cũng như chất lượng các vở diễn của sân khấu Việt?

- Sân khấu Việt cũng giống như các nơi khác trên thế giới. Chúng ta đều ở trong một cuộc chạy đua chung với các hình thức giải trí khác. Bởi thế mỗi nhà hát, mỗi nghệ sĩ đều phải làm cho vở diễn gần gũi, dễ hiểu và luôn tự đổi mới mình.

Tôi đã xem vài vở diễn và thấy tác phẩm của các bạn thường mang tính đương đại. Vở Vòng phấn Kavkaz tuy có bối cảnh của quá khứ, nhưng nội dung, thông điệp cũng mang tính hiện đại. Khi dựng vở, tôi cũng đưa vào nhiều yếu tố nghệ thuật đương đại như nhạc điện tử, nhạc pop, trang phục hiện đại...

- Vậy cảm xúc của ông ra sao khi làm việc cùng các diễn viên Việt Nam?

- Tôi cảm nhận được sự cởi mở và sẵn lòng thử thách với cái mới ở họ. Diễn viên rất cần sự dũng cảm để thử một phong cách kịch mới. Tôi thấy sự tin tưởng của mọi người dành cho tôi, và tôi cũng tin tưởng ở các diễn viên. Vì thế, chúng tôi có sự hợp tác tốt.

- Phong cách kịch mới được ông nhắc tới ở trên là gì?

- Kịch của Brecht luôn tạo ra mối liên hệ giữa diễn viên với khán giả. Cụ thể ở vở này, có một người ca sĩ trong vai trò dẫn chuyện, để lôi kéo, gợi mở khán giả suy nghĩ cùng vở kịch. Mỗi tình huống kịch đều khiến độc giả tự đưa ra câu hỏi cho mình rồi tự trả lời.

- Không biết tiếng Việt, làm cách nào ông có thể hiểu được lời thoại của diễn viên, từ đó đánh giá họ đã diễn đạt hay chưa?

- Tôi có quyển kịch bản in song ngữ Việt - Đức, nên cũng biết được diễn đến cảnh nào thì diễn viên phải nói gì. Có thời gian làm việc lâu trong ngành sân khấu nên tôi chú ý tới âm hưởng của giọng nói, lời thoại. Căn cứ vào đó tôi biết diễn viên có đang diễn đúng cảm xúc hay không.

Trong một lần diễn thử, một khán giả người Đức không biết tiếng Việt cũng không hiểu một từ nào trong vở kịch, nhưng chị ấy nói vở diễn tạo được sự xúc động, lay động lòng người. Tôi mong khi công diễn, khán giả cũng cảm nhận được vở kịch bằng cảm xúc.

Các nghệ sĩ Nhà hát Tuổi Trẻ đang tập vở "Vòng phấn Kavkaz".

- Ông đánh giá thế nào về chất lượng vở diễn khi khâu dàn dựng đã gần hoàn thiện?

- Tôi là người lạc quan, luôn tin vào những điều tốt đẹp. Là đạo diễn, tôi không bao giờ khẳng định rằng vở diễn ra đời là đã hoàn thiện, hoàn hảo. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng, chúng tôi đã có một tâm thế vững vàng để vở diễn ra mắt vào ngày 17/9 tới đây.

Dominik Gunther là đạo diễn tự do cho các nhà hát tên tuổi ở Đức. Ông được nhận nhiều giải thưởng sân khấu Đức, Áo. Ông cũng là giảng viên chuyên ngành dàn dựng và biểu diễn tại Studio sân khấu Frese ở Hamburg.

Bertolt Brecht là một nhà thơ, nhà soạn kịch, đạo diễn, phê bình sân khấu người Đức. Ông có ảnh hưởng lớn tới sân khấu hiện đại. Vòng phấn Kavkaz là kịch bản nổi tiếng của ông được Viện Goethe Việt Nam và Nhà hát Tuổi Trẻ dàn dựng. Vở diễn đang trong quá trình tập luyện, ra mắt công chúng vào ngày 17/9.

NSND Lê Khanh (trợ lý đạo diễn) cho rằng vở kịch là đặc trưng cho một trường phái kịch chưa được biểu diễn ở Việt Nam. Chị nói: "Kịch Việt Nam thường diễn theo trường phái 'hiện thực tâm lý' tức diễn viên hóa thân vào nhân vật, khiến khán giả chìm đắm trong vở kịch. Còn trường phái Bertolt Brecht là   'sân khấu gián cách'  , coi sân khấu là một trò chơi nghệ thuật. Các diễn viên diễn bằng lý tính, nhắc khán giả biết rằng họ đang xem kịch, và đặt ra những câu hỏi, suy ngẫm cho khán giả từ các tình huống kịch".

Lam Thu thực hiện, VNE


Thêm bình luận

TIN TỨC - SỰ KIỆN MỚI CẬP NHẬT

QUẢNG CÁO
tapchihuongviet.eu 2020 02 07 um 17.29.59
tapchihuongviet.eu 2019 07 19 um 15.05.46
banner fam right

Hội chợ 'Việt Nam tại Đức' thu hút khách tham quan

Trong khuôn khổ Hội chợ Xuân AFA 2020, Tạp chí Hương Việt tổ chức sự kiện đặc biệt với chủ đề "Việt Nam tại Đức" nhân dịp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Đức (1975-2020).

tapchihuongviet_treviet_vdKỷ niệm 10 năm hình thành và phát triển của Tạp chí Hương Việt

Kỷ niệm 10 năm hình thành và phát triển của Tạp chí Hương Việt, đồng thời hướng tới 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Đức. Tạp chí Hương Việt cùng các Hội đoàn người Việt phía Tây-Nam nước Đức đã tổ chức chương trình Lễ hội văn hoá Việt Nam - Hương Việt 2019.