Hamburg là thành phố hải cảng xinh xắn, đã có 800 năm tuổi, nằm ở phía Bắc nước Đức. Thành phố này là điểm du lịch nổi tiếng, là trạm trung chuyển chính giữa các nước Bắc Âu và Tây Âu. Hamburg cũng nơi nhiều người thắc mắc: có phải đây là quê hương của món hamburger hay?
Có lẽ nếu không nhờ sức sống mãnh liệt, Hamburg đã bị xóa tên khỏi bản đồ sau nhiều lần bị phá hủy gần như hoàn toàn. Lần thiệt hại nặng nề nhất và gần nhất mà Hamburg phải hứng chịu là trong thời gian chiến tranh thế giới II, vào năm 1943, khi quân đồng minh không kích vào Hamburg. Gần 9000 tấn bom đã được thả xuống, giết chết 30.000 người trong đó có 5000 trẻ em, phá hủy phân nửa thành phố. Dù phải gánh chịu những thương tổn như thế, nhưng quang cảnh thành phố hầu như chẳng có một vết sẹo nào và Hamburg vẫn là thành phố được yêu thích nhất của Đức trong mắt khách du lịch, là thành phố lớn thứ hai của Đức và lớn thứ sáu của châu Âu…
Hội trường thành phố
Mỗi tháng 5, Hamburg lại tưng bừng tổ chức sinh nhật của mình với sự tham dự của các loại tàu thuyền cùng màn trình diễn pháo hoa trên biển. Đây cũng là dịp nhiều dịch vụ vui chơi đặc biệt được mở cho du khách như bồng bềnh trên khinh khí cầu, nhảy dù hay làm một tour quanh Hamburg bằng trực thăng.
Kênh đào giữa những dãy nhà
Nếu bạn đến Hamburg để thưởng thức hamburger chính hiệu thì bạn đã nhầm. Dù có nhiều ý kiến cho rằng món hamburger xuất phát từ thành phố Hamburg, thế nhưng món đặc sản mà người dân Hamburg thường mời khách nhiều nhất lại là sandwich cá!
Đối với du khách, ban ngày là thời gian thăm hồ Alster, lượn lờ tại chợ cá, thăm hội trường thành phố và nhà thờ St. Michaelis. Tối đến là lúc ghé đường Reeperbahn ở quận St. Pauli. Reeperbahn nghĩa là “dây thừng cho tàu thủy”, vì đây là nơi ngày xưa sản xuất dây thừng cho các con tàu. Nơi đây có khá nhiều các quán bar cho các thủy thủ vui chơi giải trí trước khi theo tàu ra khơi. Cũng chính tại một số quán bar trên con đường này như Star-Club, Top Ten Club mà The Beatles bắt đầu sự nghiệp của mình.
Đặt chân đến Hamburg, tôi lập tức bị thu hút bởi bức tượng của một nhân vật giống như chú hề, đang gánh hai thùng nước trên vai. Ngạc nhiên hơn, trên bất cứ con đường nào ở trung tâm thành phố, tôi cũng gặp lại “nhân vật” này. Chỉ có khác là tuy cùng một chú hề đó nhưng mỗi bức tượng được vẽ và trang trí với những họa tiết khác nhau. Tò mò hỏi ra mới biết Hamburg có tổng cộng 100 cái như thế tất cả. Đó chính là “Hans Hummel”, tên thật là Johann Wilhelm Bentz, sinh năm 1787, một người gánh nước nóng tính nên hay bị bọn trẻ trêu ghẹo bằng cái tên “Hummel, Hummel!” (nghĩa là con ong nghệ). Bởi vì đang gánh nặng nên dù nóng giận ông vẫn không cách nào rượt bắt được lũ trẻ… Hummel thể hiện một phần nào đó hình ảnh của người Hamburg nói riêng và người Đức nói chung: cộc cằn, và dễ nổi nóng.
Giới trẻ Hamburg ngồi chơi giữa trung tâm thành phố
Hai trong 100 bức tượng Hans Hummel
Ngay cả 200 năm sau, khi Bentz đã chết, nếu bạn lỡ nói “Hummel” với một người dân Hamburg, có thể thấy trước là bạn sẽ có những giờ phút không yên ổn ở đây. Nhưng mặt khác, câu chuyện về Hummel còn là lời nhắc nhở: hãy tôn trọng tính cách của một cá nhân giữa cộng đồng. “Nóng nảy” có thể không phải là một tính tốt, nhưng chắc chắn đó không phải là cái có thể đem ra để chọc ghẹo.
Tản mạn Hamburg
Tiện ích
Phông chữ
- Font Size
- Default
- Chế độ đọc