Theo sáng kiến của bà Clara Zetkin, Hội nghị Phụ nữ Quốc tế Dân chủ được tổ chức tại Copenhagen (Đan Mạch) năm 1910, đã thông qua quyết định lấy ngày Quốc tế Phụ nữ là ngày 8 tháng 3 hàng năm. Đó là ngày thúc đẩy cuộc đấu tranh giải phóng phụ nữ trên toàn thế giới.
Ngày Quốc tế Phụ nữ 8 tháng 3 hàng năm còn là ngày tôn vinh giới nữ. Phụ nữ có thiên chức làm mẹ, phải mang nặng, đẻ đau, nuôi con nhỏ dại. Nỗi khổ này không thể giải phóng bằng cách mạng xã hội mà chỉ được bù đắp bằng cách làm cho mọi người trong xã hội có ý thức tôn vinh, quý trọng giới nữ đặc biệt là tôn vinh người mẹ. Nhà văn Maxim Gorki đã ca ngợi người phụ nữ, người mẹ thật trân trọng: “... Vinh quang thay người phụ nữ! Người mẹ! Bộ ngực của người đã nuôi sống nhân loại. Tất cả những gì tươi đẹp trong con người và cuộc đời đều do ánh sáng mặt trời và sữa mẹ tạo nên...!”.
Về nguồn gốc bà mẹ đầu tiên, dân Việt ta có truyền thuyết rất đặc biệt. Bà Tổ mẫu của dân ta là bà Âu Cơ thuộc dòng Tiên, tức là một phụ nữ rất đẹp, đầy tài hoa. Mẹ Âu Cơ đã sống bình đẳng cùng chồng thuộc dòng dõi Long Quân trong trách nhiệm mỗi người dắt dẫn một phần nửa số các con để đi dựng nước.
Phải chăng từ văn hoá truyền thuyết đó mà phụ nữ Việt Nam ta rất yêu nước, có lòng tự tin, tự hào rất mạnh và trong quá trình lịch sử dựng nước, giữ nước đã xuất hiện rất nhiều vị nữ anh hùng, rất nhiều bà mẹ Việt Nam anh hùng. Nổi lên, vào năm 40 sau Công nguyên, chúng ta có Hai Bà Trưng, đã được dân ta tôn vinh vào ngày 8 tháng 3 hàng năm, trùng hợp với ngày Quốc tế Phụ nữ.
Chuyện về Hai Bà, sử chép rằng, ở quận Giao Chỉ có viên Thái thú, vị quan cai trị thuộc triều đình phong kiến nhà Đông Hán phương Bắc tên là Tô Định, rất tàn ác. Nhiều cuộc đấu tranh do các vị quý tộc bản địa lãnh đạo chống lại, nhưng đều bị Tô Định và chính quyền đô hộ đàn áp đẫm máu. Thi Sách, con trai của một Lạc tướng của ta ở quận Châu Diên (Hà Tây) cùng vợ là Trưng Trắc, con gái một Lạc tướng của ta ở quận Mê Linh (Vĩnh Phúc) đã chiêu mộ nhiều binh sĩ cùng tính kế chống lại Tô Định. Kế hoạch bị lộ, Tô Định đã giết chết Thi Sách. Tháng 3 năm 40 sau Công nguyên, Trưng Trắc cùng em là Trưng Nhị tiếp tục phất cao cờ nghĩa, đem quân đánh Tô Định. Cuộc khởi nghĩa bùng nổ ở Hát Môn (cửa sông Hát, huyện Phúc Thọ, Hà Tây).
Được các Lạc tướng, Lạc quân khắp nơi hưởng ứng tiến công, Tô Định hoảng sợ phải cắt tóc, cạo râu, lẩn trốn về Quảng Đông. Quân của Hai Bà đã đánh chiếm Long Biên và 65 thành. Bà Trưng Trắc cùng em là Trưng Nhị được các Lạc tướng suy tôn làm vua gọi là Trưng Nữ Vương, đóng đô ở Mê Linh (nay là làng Hạ Lôi, huyện Yên Lãng, tỉnh Phúc Yên).
Mùa hè năm 43 sau Công nguyên, vua nhà Đông Hán sai Mã Viện đưa 2 vạn quân, 2.000 thuyền bè với 1 đạo thuỷ quân toàn người Hoa Nam (Trung Quốc) dễ thích nghi với thuỷ thổ nước ta cùng những viên tướng giàu kinh nghiệm, đã tấn công vào quân đội của Hai Bà Trưng. Cuộc kháng chiến đã diễn ra rất ác liệt ở vùng Lãng Bạc, Hồ Tây, Cấm Khê (vùng chân núi Ba Vì) nhưng quân của Hai Bà bị đánh bại. Hai Bà chạy đến sông Hát Giang (sông Đáy) thì nhảy xuống sông tự tử. Theo cờ nghĩa của Hai Bà, cuộc kháng chiến kéo dài đến cuối năm (43 sau Công nguyên) gây cho địch rất nhiều tổn thất. Mã Viện lúc rút quân về Bắc, đi có 10 phần về chỉ còn 4, 5 phần.
Cuộc khởi nghĩa do Hai Bà Trưng lãnh đạo, đã lật đổ chính quyền đô hộ và lập được chính quyền mới làm cho nhân dân Âu Lạc được sống trong một đất nước độc lập tự chủ trong gần 2 năm. Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà dù chỉ đạt được kết quả như vậy, nhưng có ý nghĩa thời đại to lớn. Nó định hướng mở đường cho công cuộc giành lại độc lập của nhân dân ta sau đó, trong suốt hơn một nghìn năm bị giặc phong kiến phương Bắc đô hộ.
Tưởng nhớ Hai Bà Trưng, hai vị nữ đại anh hùng của Việt Nam và kỷ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ nhằm thúc đẩy cuộc đấu tranh giải phóng phụ nữ, nhìn chung đều là thể hiện ý thức tôn vinh phụ nữ. Đó là nét tuyệt đẹp về văn hoá.