Các đại biểu Việt Nam đặc biệt quan tâm đến các Chương trình và sáng kiến của Đức về phát triển bền vững các khu đô thị (Chương trình SURE), lĩnh vực kinh tế sinh học, y học và biến đổi khí hậu.
Foto: Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt và đoàn công tác gặp Bộ trưởng Bộ Khoa học và Nghệ thuật bang Hessen, Timon Gremmels, tại Frankfurt ngày 28/6. (Ảnh: TTXVN phát)
Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, nhận lời mời của Bộ Giáo dục và Nghiên cứu liên bang Đức (BMBF), trong các ngày từ 25-28/6, đoàn công tác của Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam do Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt dẫn đầu, đã có các cuộc làm việc với BMBF, một số trường đại học lớn của Đức, các khu công nghệ cao và trung tâm khởi nghiệp tại Đức.
Trọng tâm của chuyến công tác là Khóa họp lần thứ ba Ủy ban về hợp tác khoa học-công nghệ giữa Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam và BMBF diễn ra tại Berlin ngày 27/6.
Đây là cuộc họp hai năm một lần nhằm cập nhật các chính sách phát triển khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo của Việt Nam và Đức, nhìn lại những kết quả mà hai bên đã đạt được kể từ khóa họp trước và cùng nhau bàn phương hướng và kế hoạch cho các hoạt động hợp tác song phương trong thời gian tới.
Tham dự cuộc họp về phía Đức có Quốc vụ khanh BMBF Jens Brandenburg; về phía Việt Nam có Đại sứ Việt Nam tại Đức Vũ Quang Minh; cùng đại diện các đơn vị chức năng của hai bộ và đại diện các nhà khoa học Việt Nam và Đức.
Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt đánh giá cao nỗ lực của các cơ quan, viện nghiên cứu trong việc thực hiện kết luận của kỳ họp lần thứ hai, trong đó có Chương trình quản lý và cảnh báo thiên tai khắc nghiệt tại các đô thị của Việt Nam và Đức đã được triển khai.
Bộ trưởng cho biết hợp tác và hội nhập quốc tế là một trong các giải pháp quan trọng giúp Việt Nam nhanh chóng nâng cao tiềm lực và trình độ khoa học-công nghệ. Đức đã và sẽ luôn là một trong những đối tác chiến lược quan trọng của Việt Nam trong hợp tác về khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Tại cuộc họp, đoàn công tác của Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã chia sẻ những thông tin cập nhật nhất về Chiến lược quốc gia phát triển khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030, Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) đến năm 2030, Định hướng chiến lược phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới.
Quốc vụ khanh BMBF Jens Brandenburg nhấn mạnh: “Khoa học và nghiên cứu có thể đóng góp cơ bản cho khả năng phục hồi và khả năng cạnh tranh của Đức. Do đó, Đức đã điều chỉnh các điều kiện khuôn khổ để bảo vệ tốt hơn cho khoa học và thúc đẩy hợp tác.”
Ông cũng cho rằng ngoài những thách thức do sự gia tăng căng thẳng địa chính trị, biến đổi khí hậu mà thế giới đã chứng kiến trong những năm qua, AI với những tác động sâu rộng của công nghệ này cũng đang đòi hỏi phải có cách suy nghĩ và hành động mới.
Đó là lý do tại sao Chính phủ Đức, trong đó BMBF giữ vai trò chủ đạo, đã công bố "Chiến lược nghiên cứu và đổi mới trong tương lai" vào tháng 12/2023, trong đó tổng hợp, điều phối và xác định các mục tiêu, ưu tiên và cột mốc liên ngành của chính sách nghiên cứu và đổi mới trong những năm tới.
Ông Brandenburg nhận định rằng Đức và Việt Nam đã hợp tác thành công về khoa học-công nghệ trong nhiều năm qua.
Các nhà nghiên cứu làm việc cùng nhau trong nhiều lĩnh vực đa dạng như phát triển đô thị bền vững, quản lý đất đai, hiệu quả và công nghệ nguyên liệu thô, thích ứng với biến đổi khí hậu và kinh tế sinh học.
Trong thời gian gần đây, hai bên cũng đã hợp tác sâu rộng về các chủ đề nước, công nghệ môi trường và nghiên cứu sức khỏe. Đây là nền móng cho hợp tác sâu rộng hơn nữa giữa Việt Nam và Đức trong tương lai.
Ông cũng đề nghị hai bên sẽ cùng nhau đối thoại với các nhà khoa học của mình để phát triển và cải thiện hơn nữa các điều kiện khuôn khổ cho các dự án hợp tác song phương.
Các đại biểu Việt Nam đặc biệt quan tâm đến các Chương trình và sáng kiến của Đức về phát triển bền vững các khu đô thị (Chương trình SURE), lĩnh vực kinh tế sinh học, y học và biến đổi khí hậu.
Hai bên đã cùng nhau thảo luận, chia sẻ và đi đến thống nhất về các nội dung hợp tác cụ thể giữa hai bộ trong thời gian tới, nhằm hiện thực hóa các mục tiêu, sứ mệnh đề ra của Hiệp định hợp tác khoa học-công nghệ giữa hai chính phủ năm 2015, góp phần thực hiện tốt các cam kết của lãnh đạo cấp cao hai nước và đưa quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước lên tầm cao mới; giải quyết các vấn đề về biến đổi khí hậu, không chỉ riêng cho Việt Nam mà còn chung tay giải quyết các vấn đề toàn cầu.
Hai bên thống nhất sẽ mở rộng nhiều chương trình hợp tác song phương giữa các cơ quan của chính phủ, các viện nghiên cứu, trường đại học và các tổ chức khoa học-công nghệ của hai nước trong tương lai.
Hướng đến kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam-Đức và 10 năm ký Hiệp định khoa học-công nghệ giữa hai nước trong năm 2025, hai bên sẽ cùng nhau xây dựng các hoạt động có ý nghĩa để kỷ niệm các sự kiện này.
Khoá họp lần thứ ba Ủy ban về hợp tác khoa học-công nghệ Việt Nam-Đức ngày 27/6 tại Berlin. (Ảnh: TTXVN phát)
Cũng trong khuôn khổ chuyến công tác lần này, đoàn của Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã thăm Khu công nghệ cao và làm việc với Trung tâm xuất sắc về khởi nghiệp và chuyển giao công nghệ của bang North Rhine-Westphalia (Nordrhein-Westfalen); làm việc với Chủ tịch Tập đoàn Công nghệ tiên phong WILO SE và tham quan nhà máy thông minh tại Dortmund.
Đoàn cũng có buổi làm việc với trường Đại học Humboldt - một trong những đại học lâu đời nhất của Đức tại Berlin; làm việc với Đại sứ Vũ Quang Minh và các cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Đức; gặp mặt các nhà khoa học, trí thức gốc Việt đang làm việc và nghiên cứu tại Đức.
Ngay trước khi lên đường về nước, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt đã có cuộc tiếp xúc nhanh với Bộ trưởng Bộ Khoa học và Nghệ thuật bang Hessen, ông Timon Gremmels tại Frankfurt, để trao đổi về những đề xuất hợp tác trong tương lai.
Bên cạnh việc thúc đẩy hợp tác nghiên cứu chung trong các lĩnh vực truyền thống như sử dụng hợp lý tài nguyên và phát triển bền vững; kinh tế sinh học và y tế, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt đề xuất Bộ Khoa học và Nghệ thuật bang Hessen tạo điều kiện để hai bên có thể triển khai cụ thể một số nội dung như mở rộng quy mô, tăng cường hoạt động xây dựng năng lực và trao đổi học thuật; hỗ trợ nghiên cứu nâng cao năng lực và đổi mới công nghệ, xây dựng lộ trình chuyển đổi công nghệ hướng tới tăng trưởng xanh và trung hòa carbon; hợp tác toàn diện thông qua việc ký kết Bản ghi nhớ với các trường đại học uy tín của bang Hessen; phát triển các chương trình liên kết đào tạo; hợp tác về nghiên cứu và phát triển AI; khởi nghiệp và chuyển giao công nghệ.
Bộ trưởng cũng đề nghị Bộ Khoa học và Nghệ thuật bang Hessen phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia - Techfest tại Đức, nhằm giới thiệu hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo hai quốc gia, hệ thống các chính sách thu hút đầu tư, thu hút doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo mở rộng thị trường tại hai quốc gia.
Trong nhiều thập kỷ qua, hợp tác về khoa học-công nghệ giữa Việt Nam và Đức liên tục phát triển, nổi bật là các chương trình gần đây như Chương trình đối tác quốc tế về đổi mới sáng tạo bền vững, Chương trình y tế và phát triển đô thị bền vững, Chương trình kinh tế sinh học, tạo ra mối quan hệ hợp tác gắn bó giữa các viện nghiên cứu, các trường đại học, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu và đổi mới sáng tạo, cùng nhau giải quyết các vấn đề học thuật là thế mạnh của Đức và phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam.
Ngoài ra, các kết quả của các chương trình hợp tác đã góp phần triển khai các cam kết mạnh mẽ của hai nước về giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc./.
(TTXVN/Vietnam+)
Việt Nam-Đức thúc đẩy hợp tác khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo
Tiện ích
Phông chữ
- Font Size
- Default
- Chế độ đọc