feed-image

Hãy nhấn „Thích Trang“ để theo dõi tin tức cập nhật của Tạp chí Hương Việt trên trang Facebook của bạn!

BỎ QUA

Op2 1140X206P 1 frame

Phông chữ

Đối với một bộ phận giới trẻ Đức, thủ tướng duy nhất mà họ biết là Angela Merkel, người đã lãnh đạo đất nước suốt 16 năm qua và góp phần định hình tương lai của họ.


Foto: Đối với nhiều thiếu niên Đức, bà Angela Merkel - người đã cầm quyền suốt 16 năm qua - là thủ tướng duy nhất mà họ biết. Ảnh: AP.


Trong một bữa tiệc cuối năm học ở Berlin, các chàng trai và cô gái trẻ đang say sưa trong tiếng nhạc techno. Họ khoác lên mình những bộ cánh sành điệu và chia sẻ niềm vui vào một trong những dịp quan trọng nhất của cuộc đời, họ đã tốt nghiệp phổ thông và sẽ trở thành "người lớn" vào ngày mai.

Đối với họ, bà Merkel là thủ tướng duy nhất mà họ biết, vì bà là người đã lãnh đạo đất nước trong suốt 16 năm qua.

Lạc quan về tương lai

"Chúng tôi không có một nền dân chủ hoàn hảo, nhưng tôi nghĩ chúng tôi có một nền dân chủ đủ tốt", Ole Schroeder, một thiếu niên trong bữa tiệc, chia sẻ.

"Nước Đức đang có một hệ thống nhập cư rất tốt. Ở đây ai cũng có cơ hội để sống và hiện thực hóa giấc mơ của họ", Alisa Gukasov, một nữ sinh 16 tuổi, nói thêm.

Mặc dù lạc quan về tương lai, những thiếu niên này cũng có lo lắng của riêng họ.

Đối với Lina Ziethen, điều mà cô gái này quan ngại nhất chính là biến đổi khí hậu.

"Chúng ta phải từ bỏ việc sử dụng ôtô, ngừng đi du lịch bằng máy bay, vì chúng ta cần cắt giảm khí thải. Chúng ta cần làm những điều đó từ cách đây 50 năm rồi, chứ không chỉ là bây giờ", Lina nói.

Biến đổi khí hậu đang là vấn đề được quan tâm đặc biệt với giới trẻ Đức. Chủ đề này càng trở nên nóng hổi hơn sau khi khu vực phía tây đất nước hứng chịu đợt lũ lụt khủng khiếp chưa từng có tiền lệ hồi tháng 7 vừa qua.

Dưới thời bà Merkel, nước Đức đã cắt giảm khí thải nhà kính và đầu tư nhiều hơn vào năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, những mục tiêu hạn chế khí thải hiện tại được cho là chưa đủ tham vọng. Trên thực tế, Đức vẫn là nước sử dụng năng lượng từ than nhiều nhất trong EU.

Điều này một phần là do chính phủ của bà Merkel đã quyết định ngừng phát triển điện hạt nhân sau khi chứng kiến thảm họa hạt nhân Fukushima hồi năm 2010.

Trong khi đó, những hậu quả của biến đổi khí hậu vẫn đang ầm thầm diễn ra. Một loại bọ cánh cứng có tên là Borkenkafer đang sinh sôi và phát triển rất nhanh ở một số khu vực trên nước Đức. Chúng ăn thân các cây gỗ và khiến cho những cây này chết dần.

Cơ chế phòng vệ tự nhiên của các cây gỗ này cũng bị suy yếu. Ông Hans Schattenberg, người phụ trách quản lý các khu rừng ở phía đông vùng Harz phía bắc nước Đức, cho biết những gì mà ông và các đồng nghiệp có thể làm là chặt bớt các cây đã bị nhiễm bọ để ngăn chặn dịch bệnh lan rộng.

"Chúng tôi chưa bao giờ nghĩ rằng khu rừng sẽ xuống cấp nhanh như vậy trước biến đổi khí hậu. Điều khiến chúng tôi sốc nhất là không chỉ những cây lá kim bị ảnh hưởng, mà còn cả những cây sồi lâu năm", ông Schattenberg nói thêm.

Câu chuyện trên giống như một dự báo về tương lai mà nước Đức sẽ phải đối mặt. Dưới thời Merkel, quốc gia này đã trở nên thịnh vượng, với các ngành công nghiệp mũi nhọn thống trị châu Âu và có sức ảnh hưởng toàn thế giới. Mặc dù vậy, các quốc gia khác có vẻ như đang nhanh hơn trong cuộc chạy đua công nghệ và kỹ thuật số, và nước Đức sẽ phải cạnh tranh khốc liệt để có thể giữ được vị trí hiện tại.

Định hình đất nước

Người dân Đức sẽ đi bỏ phiếu để bầu ra chính phủ mới vào ngày 26/9 này. Liên minh trung hữu do đảng CDU của bà Merkel đứng đầu đã lãnh đạo đất nước trong 4 nhiệm kỳ, nhưng các cuộc thăm dò hiện tại cho thấy ứng viên Olaf Scholz của đảng Dân chủ Xã hội (SDP) đang chiếm ưu thế.

Bà Anke Ketterer là chủ của một cơ sở sản xuất bia hơi cỡ nhỏ ở Hornberg. Gia đình Ketterer đã nấu bia từ năm 1877 và doanh nghiệp này là một ví dụ điển hình của mittelstand - những công ty gia đình đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế của Đức trong thế kỷ 20.

Nhà Ketterer cho rằng quãng thời gian lãnh đạo của Thủ tướng Angela Merkel là một giai đoạn tuyệt vời, khi công việc kinh doanh của gia đình trở nên ổn định.

"Chúng tôi không có gì để phàn nàn. Chúng tôi đang kinh doanh tốt ở thị trường trong nước. Nhưng tất nhiên, điều nguy hiểm là khi bạn cảm thấy hài lòng và tụt lại phía sau", ông Phillip, chồng của bà Anke, chia sẻ.

Có lẽ di sản lớn nhất mà bà Merkel để lại cho nước Đức cũng là một trong những quyết định gây tranh cãi nhất. Việc bà mở cửa đất nước cho hàng trăm nghìn người tị nạn vào năm 2015 là một trong những khoảnh khắc đáng nhớ nhất trong nhiệm kỳ 16 năm của bà.

Có thể hiểu được quyết định này qua lăng kính lịch sử. Trong quá khứ, nền kinh tế Đức từ lâu đã dựa vào những người nhập cư nước ngoài, đặc biệt là giai đoạn sau Thế chiến II, khi hàng chục nghìn lao động Thổ Nhĩ Kỳ tới Đức để xây dựng lại đất nước khi đó gần như là một đống đổ nát.

Hiện nay, hơn một phần tư dân số Đức có nguồn gốc từ nước ngoài. Một trong số đó là Negin, cô gái người Iran tị nạn đến Đức vào năm 2015. Cô kể lại rằng mình đã rất gần với cái chết khi vượt qua Địa Trung Hải bằng một chiếc thuyền nhỏ bé nhưng chở kín người.

"Cuộc sống của tôi rất ổn. Tôi đã có mục tiêu trong cuộc đời. Tôi đang nỗ lực nhưng có nhiều điều khó khăn. Tôi phải học tập nhiều thứ và làm việc chăm chỉ hơn những người khác. Đôi khi tôi thấy mọi thứ vẫn rất mới mẻ", Negin chia sẻ. Cô đang học nghề và hy vọng có thể trở thành một nha sĩ trong tương lai.

Giữa đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng người tị nạn vào năm 2015, bà Merkel đã có một câu nói nổi tiếng trong thông điệp gửi tới người dân Đức: "Wir schaffen das" - Chúng ta có thể làm được.

Sáu năm sau, nhiều người cho rằng bà Merkel đã đúng. Cảm giác về một cuộc khủng hoảng đã trôi qua, nhưng có một bộ phận khác vẫn không đồng tình với quyết định này.

Một đảng có xu hướng thiên hữu và bài nhập cư là AfD giờ đây có ghế trong quốc hội Đức. Sự ủng hộ của AfD phần lớn đến từ miền Đông của đất nước. Điều đáng chú ý là cứ 4 cử tri dưới 25 tuổi ở miền Đông thì có một người ủng hộ AfD.

Một chỉ trích khác nhắm vào bà Merkel là việc chính phủ của bà đã không làm đủ để cải thiện bất bình đẳng về giới trong thu nhập. Khoảng cách thu nhập giữa nam giới và nữ giới ở Đức thuộc nhóm cao nhất trong các nước châu Âu.

"Về lâu dài thì mọi người sẽ nhìn vào 16 năm đó, nếu bạn tổng kết lại, thì nó khá thành công. Không chỉ về mặt kinh tế, mà còn là việc định hình đất nước để chuẩn bị cho một tương lai không dễ dàng", giáo sư Magnus Brechtken, nhà sử học từ Viện Lịch sử Đương đại Munich, nhận định về bà Merkel.

Sơn Trần theo BBC, Zing


Thêm bình luận

TIN TỨC - SỰ KIỆN MỚI CẬP NHẬT

QUẢNG CÁO
tapchihuongviet.eu 2020 02 07 um 17.29.59
tapchihuongviet.eu 2019 07 19 um 15.05.46
banner fam right

Hội chợ 'Việt Nam tại Đức' thu hút khách tham quan

Trong khuôn khổ Hội chợ Xuân AFA 2020, Tạp chí Hương Việt tổ chức sự kiện đặc biệt với chủ đề "Việt Nam tại Đức" nhân dịp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Đức (1975-2020).

tapchihuongviet_treviet_vdKỷ niệm 10 năm hình thành và phát triển của Tạp chí Hương Việt

Kỷ niệm 10 năm hình thành và phát triển của Tạp chí Hương Việt, đồng thời hướng tới 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Đức. Tạp chí Hương Việt cùng các Hội đoàn người Việt phía Tây-Nam nước Đức đã tổ chức chương trình Lễ hội văn hoá Việt Nam - Hương Việt 2019.