Công nghiệp thời trang của Berlin đạt đến đỉnh cao vào những năm 1920, với hơn 2.700 công ty thời trang chủ yếu thuộc sở hữu của các gia đình Do Thái.
Foto: Những người thợ may tại Trại Tập trung Auschwitz trong Thế chiến thứ Hai. (Ảnh: Yad Vashem Archiv)
Nhiều người hẳn không còn nhớ rằng thành phố Berlin trước đây từng là “Kinh đô thời trang” - trung tâm chính của ngành công nghiệp quần áo may sẵn do các doanh nhân Do Thái tiên phong.
Mặc dù “Tuần lễ Thời trang Berlin” diễn ra hai lần mỗi năm vào tháng 1 và hiện tại từ ngày 10-13/7, thành phố của Đức không thực sự nắm giữ danh hiệu kinh đô thời trang.
Đó là lý do tại sao ngay cả người dân Berlin cũng ngạc nhiên khi biết rằng thành phố của họ từng là một trung tâm thời trang thịnh vượng trước Thế chiến thứ Hai. Và các doanh nhân Do Thái chính là những người đi tiên phong trong ngành công nghiệp thời trang hiện đại ở Berlin.
Sự ra đời của ngành công nghiệp thời trang Do Thái
Ngành công nghiệp may mặc “cất cánh” ở Berlin vào những năm 1830. Máy may công nghiệp ra đời vào những năm 1850 đã thay đổi cuộc chơi: Thay vì 8 giờ như trước đó, một chiếc áo sơ mi có thể được sản xuất trong một giờ.
Trong tiến trình công nghiệp hóa này, tình hình chính trị và xã hội của Đức đã cho phép các doanh nhân Do Thái tạo ra tiếng nói.
Trong nhiều thế kỷ, những người Do Thái sống ở Đức đã phải chịu đựng những hạn chế về pháp lý, ảnh hưởng đến khả năng kiếm sống của họ, thậm chí đẩy phần lớn họ vào cảnh nghèo đói.
Uwe Westphal, nhà báo, đồng thời là tác giả của bài “Thời trang đô thị Berlin 1836- 1939,” câu chuyện về sự trỗi dậy và hủy diệt của ngành công nghiệp thời trang Do Thái, giải thích rằng những người bán rong thì buôn đồ trang trí vặt và quần áo cũ, còn những người Do Thái giàu có kinh doanh các loại vải lụa tốt.
Ông Westphal, người đã cống hiến gần 40 năm để nghiên cứu, thuyết trình và viết về ngành công nghiệp thời trang Do Thái đã bị lãng quên ở Berlin, chỉ ra rằng cuộc Cách mạng Công nghiệp từ giữa thế kỷ 19 đã dẫn đến sự ra đời của Đế quốc Đức vào năm 1871, nơi ghi dấu ấn mới về quyền cho người Do Thái trong hiến pháp, cho phép dân số Do Thái ở Đức phát triển.
Năm 1871, chỉ có hơn 800.000 cư dân ở Berlin. Đến những năm 1920, thủ đô nước Đức trở thành một đô thị với dân số hơn 4 triệu người, 4% trong số đó là người Do Thái.
Westphal chia sẻ: “Người Do Thái đổ xô từ nông thôn lên thành phố lớn để tìm kiếm cơ hội. Trong số họ có những thợ may và doanh nhân như David Leib Levin, đến từ Köningsberg. Ông ấy mở một nhà máy sản xuất áo khoác nữ và vào năm 1840, ông là một trong những người đầu tiên gắn giá cố định cho sản phẩm của mình.”
Berlin trở thành trung tâm thời trang may sẵn
Westphal giải thích các xu hướng thời trang từ Paris, đặc biệt là thời trang cao cấp, quá đắt đỏ đối với tầng lớp trung lưu và công nhân “cổ cồn,” những người ngày càng quan tâm đến vẻ ngoài thời trang. Vì vậy, các doanh nhân Do Thái “nảy ra ý tưởng sản xuất quần áo thời trang giá rẻ theo các biện pháp tiêu chuẩn hóa.” Nhu cầu sẵn có, vậy nên ngành công nghiệp thời trang phát triển nhanh chóng.
Công nghiệp thời trang của Berlin đạt đến đỉnh cao vào những năm 1920, với hơn 2.700 công ty thời trang chủ yếu thuộc sở hữu của các gia đình Do Thái. Những cái tên như anh em nhà Manheimer, David Leib Levin, Nathan Israel và Hermann Gerson đồng nghĩa với xu hướng mới và đang phát triển của thời trang may sẵn.
Westphal cho biết các doanh nhân Do Thái nhanh chóng thích nghi với nhu cầu mới của thời đại công nghiệp: “Họ cảm nhận được về những gì mọi người thích và họ có mối quan hệ quốc tế với các nhà sản xuất vải.” Quần áo được bán trong các cửa hàng bách hóa sang trọng, chủ yếu thuộc sở hữu của các gia đình Do Thái.
Ngành công nghiệp thời trang của Berlin cũng đạt được thành công trên bình diện quốc tế và xuất khẩu sang Mỹ, Hà Lan, Anh, Scandinavia và Argentina. Berlin cung cấp quần áo hàng ngày giá rẻ, phong cách và chất lượng cao. Ý tưởng cho các thiết kế đã được sao chép trực tiếp từ các buổi trình diễn thời trang cao cấp ở Paris, khiến kinh doanh càng bùng nổ.
Ngành thời trang của người Do Thái sụp đổ
Chủ nghĩa bài Do Thái và sự ghen tị với thành công của người Do Thái trong ngành đã tồn tại từ rất sớm. Nhưng với việc Hitler lên nắm quyền vào năm 1933, các doanh nghiệp do người Do Thái làm chủ đã phải hứng chịu những đòn nặng nề, bắt đầu bằng việc tẩy chay các cửa hàng của người Do Thái được thành lập vào ngày 1/4/1933.
Các công ty của các nhà sản xuất thời trang Do Thái sau đó đã bị các thành viên của đảng Quốc xã tiếp quản một cách có hệ thống: “Người Do Thái sớm bị cấm vay ngân hàng.” Westphal giải thích: “Đối với các công ty quần áo, đây là một thảm họa. Bạn không thể tổ chức các buổi trình diễn thời trang nếu không có bảo lãnh ngân hàng.”
Đó là lý do tại sao người Do Thái buộc phải biến các thành viên đảng Quốc xã thành đối tác trong công ty của họ để có quyền tiếp cận các quỹ, và cuối cùng chuyển quyền sở hữu với giá thấp chưa từng có.
Trong cuộc tàn sát tháng 11/1938, các nhóm ủng hộ Đức Quốc xã đã xông vào hàng trăm công ty ở Hausvogteiplatz ở quận Mitte của Berlin, trung tâm thời trang Do Thái của thành phố, phá hủy mọi thứ. Trong số 2.700 công ty thời trang của người Do Thái, chỉ còn lại 24 công ty và họ cũng bị tịch thu, muộn nhất là vào năm 1940.
Theo Westphal, mối quan tâm chính của Đức Quốc xã là bất động sản xung quanh Hausvogteiplatz, vì họ đang tìm kiếm văn phòng mới. Sau đó, lao động cưỡng bức bị buộc làm việc làm trong các xưởng thời trang gần các trại tập trung, để họ giám sát việc sản xuất quần áo.
Các nhà thiết kế thời trang ở Berlin trong những năm 1950 và 60 hài lòng với việc không có sự cạnh tranh của người Do Thái. Nhưng sau đó, ngành công nghiệp thời trang của Tây Đức đã chuyển từ Berlin sang Düsseldorf và Munich do sự phân chia thành phố. Nhà nước Đông Đức không thực sự quan tâm đến thời trang. Westphal giải thích rằng vào những năm 70, nước Đức đã trở thành một cái tên nhỏ trong lĩnh vực thời trang.
Berlin tránh xa lịch sử
Westphal nói: “Mọi thứ từng là thời trang, đặc biệt là trong những năm 1920, trường học thời trang, văn hóa giữa thời trang và kiến trúc, Bauhaus, âm nhạc, ngành công nghiệp điện ảnh và nghệ thuật thị giác nói chung, tất cả những thứ đó đã bị phá hủy hoàn toàn.”
Westphal bày tỏ: “Điều tôi thấy đáng sợ là kể từ năm 1945, không ai muốn nhớ đến nền văn hóa thời trang này. Không có lễ tưởng niệm nhiều nhà thiết kế thời trang Do Thái.”
Chỉ đến đầu những năm 90, một đài tưởng niệm tại Hausvogteiplatz mới được xây dựng với sự ủng hộ của cộng đồng Do Thái ở Berlin. Năm 2000, đài tưởng niệm được khánh thành với sự tài trợ của chính quyền Berlin.
Ngành công nghiệp thời trang Do Thái truyền thống của Berlin đã biến mất từ lâu, nhưng là một phần của lễ hội “Ngày Văn hóa Do Thái,” một buổi trình diễn thời trang của các nhà thiết kế Do Thái và Israel đương đại sẽ diễn ra vào ngày 7/9.
Theo Westphal, đây là buổi trình diễn thời trang Do Thái đầu tiên ở thủ đô Berlin từ năm 1939./.
Phương Hoa (Vietnam+)
Berlin từng là ''kinh đô thời trang'' trước khi bị Đức quốc xã phá hủy
Tiện ích
Phông chữ
- Font Size
- Default
- Chế độ đọc