Mười ba năm năm trôi qua, vẫn con đường này, vẫn mùi hương ngọc lan, ô cửa sổ hình tròn, vẫn khoảnh sân xanh rợp bóng cây, tất cả vẫn chẳng đổi khác từ ngày tôi rời đi. Có chăng chỉ là cây đã già cỗi đi một chút, còn hương ngọc lan vẫn thơm như thế, ô cửa tròn vẫn tròn như thế; Có chăng là thời gian đã bỏ thằng tôi của ngày xưa ở lại, để giờ đứng đây đã là một chàng trai 20 tuổi. Thế còn em?
Nếu như con đường này, mùi hương ngọc lan này khiến tôi không nguôi nhớ về quá khứ, thì em, còn hơn thế, kéo tôi trở về đây bởi nỗi khát khao mong gặp lại. Em có nhớ không? Ngày ấy…
*
Trong cả đám lít nhít, lố nhố của khu phố thuở ấy, tôi chơi thân nhất với em. Tôi cũng không rõ tại sao là con gái mà em chẳng khác gì tôi: trèo cây, chơi súng cao su, đuổi bắt, “tẩn” nhau… em đều “chơi” tuốt, mà kinh dị hơn là em thuộc dạng “đàn chị” hẳn hoi. Trong khi những thằng “công tử bột” kia (nói thế là do chỉ mới ngã oạch một cái lập tức bọn chúng bù lu bù loa lên, chạy về gọi mẹ, thế thì làm sao là chiến hữu của tôi cho được), chúng nó sợ tôi một phép thì em lại chẳng coi tôi ra cái… cóc khô gì. Nhưng tôi lại lấy làm khoái lắm, chính thế mà “trò” nào hai đứa cũng “chơi” hết, để rồi kết quả là những trận đòn bấy mông đít. Thế mà sau những lần “đòn roi và nước mắt” đầy đau thương, tôi và em lại tiếp tục “chiến”: cây ổi nhà hàng xóm xác xơ cành lá, mấy con cá ao nhà bên cạnh chưa kịp lớn đã bốc hơi không dấu vết còn vương… gà qué người ta nuôi mà nhìn thấy hai đứa thì chạy xớn xác, không dám ngoái đầu lại…
Qua bao lần kề vai sát cánh cùng “vào sinh ra tử”, tôi coi em là chiến hữu tốt nhất. Nhưng có lẽ chuyện đó không đến nỗi nghiêm trọng bằng chuyện tôi coi em không khác gì một thằng con trai. Và sự lầm lẫn kinh khủng khiếp đó đã dẫn đến một việc “tai họa” (tai họa trong ngoặc kép đó) ảnh hưởng lớn đến chuyện tình cảm… cúm của tôi sau này…
Hôm đó, thằng cu Lượng không hiểu sao “gan to cùng mình”, gây với em một trận “máu lửa” và thế là hai đứa “bụp” nhau. Tôi xông vào lôi em ra, tụi phe thằng Lượng cũng lôi nó ra. Khi mỗi đứa đã ở đôi bờ chiến tuyến, cu Lượng tuyên bố một câu trong hơi thở cái được cái mất:
- Anh Long! Nếu hôm nay nhỏ Ly thắng em, em sẽ bái nó làm sư tỉ trước mặt mọi người, còn nếu thua nó phải làm theo yêu cầu của em một chuyện cũng trước mặt mọi người, được không?
Thằng đần này chắc vẫn không biết em lợi hại thế nào mà lại đi “thách đấu” với em. Còn tôi thì biết rất rõ, nên chẳng ngần ngại gì đương nhiên gật đầu cái rụp, không cần biết đương sự (là em) có đồng ý hay không. Chỉ biết sau trận “quyết đấu”, em nằm bẹp dí dưới đất, thằng Lượng cứ thế nhảy tưng tưng với bộ mặt bầm dập nhưng vô cùng đắc thắng, còn tôi trong khi đỡ em dậy vẫn mải thắc mắc tại sao hôm nay thằng nhóc này lại “sung” thế, thì giật bắn người khi nghe cái yêu cầu của thằng oắt con kia:
- Ly, mày thơm anh Long giống người ta làm trên phim đi!
Em chưa kịp đáp lại, tôi đã ngoác mồm ra:
- Này, mày muốn ăn đập hả? Sao mà nó thơm tao được chứ? Tao có “pê-đê” đâu?
- Sao lại “pê-đê” được. Nó là con gái mà!
À há! Từ hồi nào giờ tôi vẫn tưởng em sinh ra đã thuộc cánh đàn ông chứ, vậy là nhầm to. Nhưng thế thì đâu sao nhỉ?
- Thơm vào đâu?
Câu nói bất thần của em làm tôi ngưng bặt suy nghĩ, mắt giương thô lố, còn chưa định thần thì thằng Lượng đã tiếp:
- Mày thấy trên phim người ta làm sao thì mày làm y vậy là được.
Rồi sau đó tôi thấy mình bị quay như dế.
Em bảo:
- Anh Long nhắm mắt lại đi!
Thế là tôi nhắm mắt. Rồi thằng Lượng bảo:
- Mày xong chưa? Tao đếm đến 3 nhé! 1…2…3!
Tôi đang nghĩ đến cuộc thi chạy ma-ra-tông… bỗng thấy có gì đó chạm vào môi mình. Tôi thấy hình như mình có cánh và bay lơ lửng, tôi thấy mình rất lạ…
*
Đến tận bây giờ tôi cũng không thể ngờ được “nụ hôn đầu tiên” từ cái thuở còn đang mọc răng đã gắn chặt em với trái tim tôi. Tôi không biết em thế nào, chỉ là bản thân muốn trở về gặp lại người con gái của ngày xưa, người con gái yêu hoa ngọc lan, mang hương ngọc lan…
- Anh gì này! Anh tìm…
Gió đưa hương ngọc lan hay kỷ niệm ùa về? Không phải. Kỷ niệm đã xa rồi, đây là hiện tại. Chỉ cần tôi quay lại…
Em và kỉ niệm
Tiện ích
Phông chữ
- Font Size
- Default
- Chế độ đọc