Chiều hôm chuẩn bị rời Hoetensleben (LB Đức) sau chuyến thăm mấy ngày, Nguyễn Minh Thái - một người gốc Việt đã có hơn chục năm sống ở Đức - bảo: “Tiễn anh ra ga tàu là tôi quay về ngay.Bố vợ anh Hiệp vừa mất ở Việt Nam, Hội tâm giao chúng tôi hẹn tối tới nhà Hiệp chia buồn, làm cơm cúng vọng hương hồn bố anh ấy”.
Mãi tới mấy tháng sau, tôi mới có dịp quay lại Hoetensleben dự sinh nhật con Thái. Hôm đó là chủ nhật. Trẻ con và người lớn của bảy gia đình rần rần kéo đến làm khu nhà mênh mông của Thái trở nên chật chội. Đàn ông tụ tập mở bia đôm đốp bên ngoài, đàn bà tụ họp trong bếp làm cơm. Không khí chộn rộn phá tan cái im lặng thường nhật ghê người ở một gia đình Việt buôn bán lẻ loi nơi đất khách. Đám trẻ nhỏ gần hai chục đứa là rộn rã nhất! Tiếng nô đùa trong vườn, trên nhà. Tiếng Đức, tiếng Việt đan chen trong giọng đứa trẻ nào hát tiếng Anh, nghe ríu rít như có đàn chim lớn vừa tới.
Xa xứ, người Việt là ruột thịt
Tới gần trưa, cỗ bàn dọn lên, chật cả dãy bàn dài hơn 5m. Ông chủ Nguyễn Minh Thái tuyên bố lý do họp mặt xong thì một người vẻ da trắng hồng, mặt sáng sủa bước lên cạnh vợ chồng Thái và cậu nhỏ. Người đàn ông ấy trịnh trọng tuyên bố thay mặt Hội tâm giao 7G chúc mừng sinh nhật cháu, cậu trai cả của Thái, rồi trao tặng hoa và quà.
Người đàn ông đó là Nguyễn Văn Hào, bán quần áo, chủ tịch Hội tâm giao mà Thái nói hôm nào. Hỏi chuyện mới biết quanh thủ phủ thị xã Hoetensleben 30 cây số này chỉ heo hút bảy gia đình Việt. Hoetensleben như cái đảo nhỏ, xa nơi quần tụ của người Việt trên thành phố Magdeburg. Berlin, nơi có Sứ quán Việt Nam, thì lại càng xa hơn.
Hào nói nhiều năm qua, bảy nhà ở đây có nhiều chuyện vui buồn trong cuộc sống kiếm ăn nơi xứ người, nên mọi người quyết định cùng nhau lập một hội nhỏ, lấy tên là Hội tâm giao 7G. Nguyễn Minh Thái chen vào: “Các cụ bảo bán anh em xa mua láng giềng gần. Bảy gia đình chúng tôi ở cái thế xa quê hương biền biệt nên lấy tình người Việt làm máu mủ ruột thịt! Hội lập ra để kịp thời tương trợ nhau khi nắng gió trở trời, chia sẻ lúc vui buồn hoạn nạn”.
Hào tiếp lời: “Hội có nhiều quy định viết ra văn bản như hương ước xưa ở làng. Bất kỳ ai có khó khăn gì, một mình không kham được thì bảy nhà xúm lại, coi như một gia đình lớn mà gánh việc. Việc buôn bán có nhiều khi hỏng xe, trăm thứ phát sinh lúc mùa đông tuyết băng về ngập trời, có hội thì mọi khó khăn đều có người đỡ tay nhau. Trường hợp bố mẹ ai mất đều được thăm hỏi và gửi ngay 10 triệu lo việc tang lễ.
Mấy tháng trước, ông cụ cô Viễn mất. Theo quy định, mỗi song thân được viếng 10 triệu, nhưng mẹ cô Viễn cũng mất lâu rồi nên chúng tôi gửi về 20 triệu, coi như tròn chữ hiếu cho cả song thân. Để tiện việc liên lạc, hội kết nạp luôn anh Nguyễn Văn Thành ở Việt Nam, em anh Hiệp sống ở đây, làm đại diện hội ở Việt Nam. Hôm bố cô Viễn mất, chạy mua được vé máy bay, về tới nhà thì tang lễ đã xong rồi. Nhưng cả họ và làng xóm rất cảm động vì khi con gái người mất chưa về, Thành đã đại diện tới chia buồn, phúng viếng”.
Cũng là về Tết
“Năm nay chúng tôi chẳng có ai về tết cả! Bảy gia đình tại Hoetensleben đều đông con cái, thời điểm tết lại là lúc chúng đều phải tới trường. Vả lại, bây giờ làm ăn khó khăn rồi, lấy đâu hàng bốn năm ngàn euro cho cả nhà về ăn tết” - anh Ngô Quang Cầu, bán quần áo, thật thà kể. Hỏi chuyện thêm vài người, đều chung ý nghĩ thôi thì tiết kiệm gửi tiền về cho nhà ăn tết, cũng coi như mình về tết rồi.
Thái nói với tôi: “Bao năm nay tết không về, nhớ bố mẹ lắm, người Việt mình ai chả thèm ăn tết ở cái làng sinh ra mình. Ngày đi làm thì không sao, nhưng đêm ba mươi làm cơm cúng ông bà xong nước mắt cứ muốn ra. Vật chất bên này chả thiếu, có ê hề ra thì cái phong vị tết Việt Nam của gia đình, làng xóm sao có thể mua để bưng sang đây được. Nhưng mà cái thế của chúng tôi như vậy thì phải chịu”.
Hào cũng góp lời: “Không về được nhưng hội vẫn cử đại diện ở Việt Nam về từng nhà bố mẹ của anh chị em trong hội. Cứ mỗi gia đình có một thư chúc tết và 2 triệu tiền mừng tuổi các cụ”. Lê Hoàng Giang, một người bán quần áo, nói trong nỗi bùi ngùi: “Năm nào không về được với cha mẹ là áy náy lắm. Thôi có Hội tâm giao giúp chuyển chút quà tinh thần và vật chất cho cha mẹ, cũng coi như cái lòng mình về ăn tết nơi quê nhà khi mình còn thăm thẳm ở xứ người”...
NGUYỄN VĂN THỌ
"Về Tết" trên đất khách
Tiện ích
Phông chữ
- Font Size
- Default
- Chế độ đọc