LTS: Tác giả Hùng Lý, cây viết quen thuộc với độc giả Tạp chí Hương Việt, cũng đồng thời là trưởng ban điều hành của cuộc vận động quyên góp vì biển đảo được tổ chức vào tháng 06/2014 tại TTTM Đồng Xuân với số tiền thu được tới 110.000 Euro. Số tiền trên đã được sử dụng để đóng con xuồng chủ quyền tặng quân, dân đảo Song Tử Tây thuộc quần đảo Trường Sa. Ngày 20/05 vừa qua, chiếc xuồng đó đã hoàn tất và được bàn giao cho Bộ Tư Lệnh Hải quân tại Hải Phòng. Là người chứng kiến sự kiện đầy ý nghĩa đó, cũng đồng thời là Kiều bào tham gia đoàn công tác số 6 thăm quần đảo Trường Sa và nhà dàn DK1 trong tháng 4 vừa qua, những gì mắt thấy, tai nghe về xuồng chủ quyền đã được tác giả thể hiện trong bài viết này. BBT Tạp chí Hương Việt xin trân trọng giới thiệu cùng độc giả.
1. MƠ ƯỚC MỘT CON TÀU
Khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD 981 xuống thềm lục địa Việt Nam, không chỉ biển Đông dậy sóng mà suốt dải đất liền hình chữ S, dư luận tiến bộ trên Thế giới và đặc biệt Kiều bào ta từ 5 châu 4 biển, tất thảy đều sôi sục. Có không biết bao nhiêu cuộc biểu tình, biết bao bài báo, biết bao tiếng nói cùng đồng lòng phản đối hành động ngang ngược trên của kẻ xâm lấn. Lại có biết bao cuộc vận động quyên góp, bao tấm lòng hướng về biển đảo nhằm chia sẻ những khó khăn, gian khổ, hiểm nguy của những người lính đảo và cư dân bám biển.
Riêng người Việt ở Đức trong năm 2014 có cả chục cuộc biểu tình, cả chục cuộc quyên góp nghĩa tình vì biển đảo. Không chỉ ở những thành phố lớn mà ở ngay cả những vùng miền xa xôi, nơi mà số người Việt ít ỏi, phân tán. Không chỉ những doanh nghiệp thành đạt ủng hộ số tiền lớn, mà cả những người lao động cần lao cũng đóng góp những đồng tiền nhỏ bé kiếm được bằng mồ hôi nước mắt, cả những cháu bé góp những đồng tiền lẻ bố mẹ cho ăn sáng. Không chỉ người Việt quyên góp cho biển đảo mà còn có cả người Đức, bạn bè Quốc tế, dù không nhiều, nhưng cũng chung một tấm lòng hướng về biển đảo, về phía chính nghĩa.
Những số tiền của các cuộc quyên góp khác nhau của kiều bào ta tại Đức, bằng mọi con đường đều đã đến với ngư dân, chiến sỹ biển đảo.
Riêng ở TTTM Đồng Xuân, cuộc quyên góp vào dịp tháng 6 năm 2014 đã đặt ngay mục tiêu từ ban đầu là đóng tàu hậu cần chở nước ngọt, xăng dầu, thuốc men tiếp ứng cho ngư dân bám biển, kiểm ngư và cảnh sát biển. Chính một phần nhờ mục tiêu đó, cuộc vận động đã được đông đảo bà con ủng hộ và thu được số tiền lớn nhất từ trước đến nay 110.000 Euro.
2. NHỮNG PHƯƠNG ÁN SỬ DỤNG TIỀN QUYÊN GÓP
Rất tiếc, mặc dù quyên góp được hơn trăm ngàn Euro nhưng khi hỏi giá cả để đóng tàu hậu cần như dự định ban đầu thì số tiền trên lại quá nhỏ. Phải có số tiền gấp vài chục lần như thế chúng ta mới đóng được một con tàu sắt như mơ ước. Hóa ra, ngay BTC người đã thay mặt bà con đưa ra con tàu như một mục tiêu của cuộc vận động cũng không hề nghĩ số tiền để đóng một con tàu hậu cần chịu được sóng gió, có trọng tải tương đối lớn và đủ yếu tố kỹ thuật để vận chuyển xăng dầu, nước ngọt lại lớn đến vậy. Mục tiêu không đạt được nỗi buồn không của riêng ai. Nhưng người lo nhất vẫn là BTC. Giải thích cho bà con cộng đồng hiểu được mục đích ban đầu đã bị thay đổi đã khó, nhưng sử dụng số tiền quyên góp được sao cho hiệu quả còn khó hơn. BTC đã họp nhiều phiên. Cử những người quen biết với lính đảo, lính trên tàu hải quân và bà con ngư dân, để tìm hiểu về những nhu cầu bức thiết của họ. Rồi lại họp, phân tích, tranh luận, cũng chưa ngã ngũ. Để rộng đường tìm kiếm một giải pháp tối ưu, BTC quyết định trưng cầu ý kiến bà con kiều bào trong hai tuần trên các trang báo mạng của cộng đồng.
Sau dịp đó, đã có ít nhất 4 phương án sử dụng số tiền quyên góp được đưa ra như: Xây nhà khách trên đảo Trường Sa lớn, lập quỹ học bổng, đóng xuồng chủ quyền, trang bị hệ thống máy biến nước biển thành nước ngọt. Trong đó, hai phương án sau có số người tán thành cao nhất. Đặc biệt phương án biến nước biển thành nước ngọt. Bởi ai cũng biết trên đảo thiếu nước và nước ngọt cần cho tất cả từ cán bộ, chiến sỹ đến ngư dân.
Khi BTC cuộc quyên góp đề xuất với Bộ tư lệnh Hải quân về dự án này thì được trả lời, đây cũng chính là dự án mà BTLHQ đang làm trong giai đoạn thử nghiệm. Sau này, trong chuyến đi thăm quần đảo Trường Sa cuối tháng Tư vừa qua, người viết bài mới được biết, dự án đó do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tài trợ thực hiện với kinh phí 40 tỉ VNĐ. Ngày đoàn kiều bào ra thăm đảo Song Tử Tây thuộc quần đảo Trường Sa năm nay, cũng là ngày đoàn dầu khí ra đây nghiệm thu trạm sản xuất nước biển thành nước ngọt. Nghe nói, kết quả thử nghiệm rất tốt. Sắp tới, những trạm nước như thế sẽ dần mọc trên các đảo, khắc phục tình trạng khan hiếm nước vào mùa khô như hiện nay.
3. XUÔNG CHỦ QUYỀN
Khi dự án về cung cấp nước ngọt bị từ chối, BTC đã họp bàn và quyết định đóng xuồng chủ quyền. Cuộc họp này diễn ra cuối tháng 10 năm 2014, đúng dịp tôi đang ở Việt Nam. Nhiều tháng sau, tôi cứ tự hỏi, nếu có mặt ở cuộc họp đó, tôi có dám dũng cảm bỏ phiếu chống không? Vì trong thâm tâm, tôi không tán thành phương án đóng xuồng. “Lại để các bố lãnh đạo, mấy bố chỉ huy đưa vợ con đi dạo biển. Chứ lính tráng nào được hưởng lợi lộc gì“. Tôi đã nghĩ vậy, mà không nói ra.
Còn nhớ, ngay khi quyết định đóng xuồng chủ quyền được BTC công bố trên phương tiện truyền thông cộng đồng, đã nhận được những chỉ trích. Nhà thơ Sa Huỳnh nói công khai trên mặt báo rằng:“Cái xuồng nhỏ tý này để đi chơi thì được chứ xua đuổi được ai mà bảo vệ chủ quyền. Nói vậy là mị dân“. Tôi nghe thấy có lý.
Đợt đi thăm Trường Sa vừa qua, một trong những mục tiêu chính của tôi là tìm hiểu về xuồng chủ quyền, về vai trò, tác dụng của nó đối với quân, dân trên đảo. Tôi muốn tự thẩm định, tôi đúng hay sai khi thâm tâm phản đối đóng xuồng chủ quyền. Rất may, tôi đã nhanh chóng tìm được câu trả lời từ thực tế mà chính mình mắt thấy, tai nghe. Nếu không có chuyến đi này, dù là thành viên trong BTC, tôi cũng sẽ làm ngơ trước những phản hồi tiêu cực về xuồng chủ quyền. Bởi có muốn, tôi cũng không có bằng cớ để phản bác.
Tôi đã gặp người sỹ quan hải quân ấy ở đảo Song Tử Tây, ở chính cái đảo sắp tới sẽ tiếp nhận xuồng chủ quyền của kiều bào ta gửi tặng. Biết được tin ấy anh mừng lắm, hồ hởi nói: “Với chúng em xuồng CQ là người bạn vàng. Có nó chúng em đỡ gian nan, vất vả nhiều lắm. Đỡ tốn cả mạng người. Những hy sinh, mất mát không đáng có chỉ vì thiếu phương tiện“. Người sỹ quan ấy đã có 14 năm công tác trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa khi còn là người lính, xúc động chia sẻ: “Ngày trước không có xuồng, hàng tháng đi họp giữa các điểm đảo trong một đảo, bọn em toàn chờ thủy triều xuống rồi lội bộ. Vất vả đã đành, còn nguy hiểm nữa. Nhiều khi giữa đường sóng gió bất chợt. Đã có những người đi mà không bao giờ đến nơi họp. Từ đài quan sát, bằng ống nhòm mọi người đều nhìn thấy, cũng đành bất lực để sóng gió cuốn đi đồng đội của mình.
Nhưng chuyện đi họp không gian nan, nguy hiểm bằng chuyện vận chuyển hàng.
Vì không có cầu cảng cho các tàu lớn neo đậu, nên các tàu tiếp tế đến đều phải đậu ở đằng xa, cách đảo vài cây số. Trên đảo hồi đó chỉ có xuồng gỗ không động cơ. Mỗi đảo được phát một sợi dây xuồng dài chừng 2 km. Mỗi khi tàu đến, đảo cử những chiến sỹ khỏe nhất lên xuồng dùng xẻng chèo. Vừa chèo xuồng vượt sóng, gió vừa rải dây. Một đầu dây ghim chặt vào đảo. Đầu kia ra đến tàu, cột chắc vào tàu. Rồi cứ thế chất hàng lên xuồng và bám vào dây căng sức kéo để xuồng di chuyển. Sóng yên, biển lặng còn đỡ. Những hôm sóng lớn lật tung xuồng, hất hàng, hất người xuống biển là chuyện thường. Vì xuồng đó có động cơ đâu để vượt sóng. Tai nạn, sinh tử cũng là chuyện thường. Sau này trên cung cấp cho xuồng chỉ 13 mã lực thôi, cũng thấy vui rồi. Nhưng xuồng đó chạy chậm và chỉ đi vào ngày biển lặng. Từ khi có xuồng CQ chúng em mới thật sự đỡ vất vả. Vì xuồng CQ tốc độ cao, công suất máy tới 240 mã lực, có khả năng lướt sóng tới bão cấp 4, cấp 5, hoạt động trong bán kính tới 50 km“.
Tôi hỏi nhỏ: “Vậy khả năng xua đuổi tàu lạ để giữ vững biên cương, chủ quyền biển đảo là có thật?“ “Thật chứ“, anh hồn nhiên đáp. “Bọn tàu cá, hay lính tráng giả dạng ngư dân trước đây ngang ngược lắm. Đánh bắt cá thuyền lớn, thuyền nhỏ ngay trước mắt những người giữ đảo. Chỉ có cách dùng loa gọi từ đảo cảnh cáo, tuyên truyền. Nhưng chúng nhởn nhơ đâu có sợ. Xuồng chủ quyền được trang bị loa, hai thùng đựng vũ khí bên sườn, có khả năng chở từ 8 đến 15 chiến sỹ, khi xuống lao từ đảo ra, chúng mới bỏ chạy. Chưa kể, khi có tàu lớn cùng tham gia xua đuổi, có xuồng chúng em mới tận tay tịch thu được phương tiện khai thác trái phép của chúng, làm bằng chứng tuyên truyền, cảnh cáo trước công luận.
Ngoài ra, có xuống chủ quyền chúng em mới có khả năng cứu hộ, cứu nạn ngư dân trên biển. Với xuồng tốc độ cao, khả năng lướt sóng, chúng em mới kịp đưa những ngư nhân đau ốm, gặp nạn vào đảo để cấp cứu, chữa trị. Hoặc tiếp tế xăng dầu, nước ngọt cho bà con“.
Tạm biệt người sỹ quan ấy với câu chuyện về xuồng chủ quyền, từ đảo nổi Song Tử Tây chúng tôi tiếp tục hải trình với tàu quân y 561 để hôm sau tới đảo nổi Nam Yết và đảo chìm Len Đao.
Chiều xuống, ngồi trên boong tàu, nhìn đằng tây mặt trời đang lặn sau màn mây mỏng, hắt xuống mặt biển xanh thẫm những ánh sáng vàng rực hình rẻ quạt. Nhìn phía đông, đảo chìm Đá Nam mà chúng tôi tới thăm lúc ban sớm, hiện ra như con tàu đang rẽ sóng trong ánh hoàng hôn. Phía trước đảo nhỏ gần chục chiếc thuyền đánh cá của ngư dân yên ả thả neo. Ở nơi xa đất liền đến vài trăm hải lý, đảo chìm nhỏ nhoi vẫn là điểm tựa không chỉ trong tâm linh về chủ quyền biển đảo của Kiều bào xa xứ, mà còn là nơi neo đậu chở che, như mái nhà giữa biển khơi, chỗ dựa về tình cảm, như cột mốc chủ quyền giừa ngàn trùng sóng gió, điểm tựa pháp lý, của những ngư dân ngày đêm bám biển kiếm sống. Nơi đó có những con xuồng chủ quyền bé bỏng nhưng kiêu hãnh là cầu nối giữa những người lính đảo hàng năm xa nhà và những ngư dân hàng tháng xa đất liền. Họ nối dài cánh tay yêu thương nhờ một con xuồng.
Lễ bàn giao xuồng CQ, quà tặng của Kiều bào Đức cho quân và dân Trường Sa
4. NHỮNG ĐÓNG GÓP ĐƯỢC GHI NHẬN
Hôm bàn giao xuồng chủ quyền của kiều bào tại Đức cho quân và dân đảo Song Tử Tây, không khí nhà máy X46, nơi đóng xuồng, tưng bừng như ngày hội. Đây là con xuồng chủ quyền đầu tiên của Kiều bào gửi tặng quân và dân trên quần đảo trường Sa. Rất nhiều phóng viên báo chí và truyền hình đến đưa tin. Từ báo QĐND, Tiền Phong đến Hà Nội Mới. Từ Đài Phát thanh VOV, truyền hình VTV4 đến truyền hình cáp VTC 10. Trước và sau ngày giao xuồng, hàng trăm tin nhắn gửi cho chúng tôi từ khắp nơi trên thế giới, trong đó có rất nhiều người đang là Hải quân hoặc từng phục vụ trong Hải quân. Họ chúc mừng việc đóng chiếc xuồng nghĩa tình và chân thành gửi lời cảm ơn tới kiều bào ta tại CHLB Đức.
Tôi đã phỏng vấn trưởng phòng kỹ thuật nhà máy, phó GĐ phụ trách kỹ thuât, cả GĐ nhà máy về tính năng tác dụng của xuồng chủ quyền, cả sự khác nhau về đơn giá giữa xuồng chủ quyền và xuồng thông thường. Những phỏng vấn ấy và tất cả tư liệu về việc đóng xuồng đã được nhà quay phim Phạm Mạnh Cường, người cùng đi theo đoàn, thu trong ống kính. Chắc chắn sẽ có dịp trình chiếu trước bà con cộng đồng người Việt ở Đức, những người đã chắt chiu từng đồng tiền mồ hôi nước mắt để làm nên con xuồng.
Thượng tá Trần Văn Hồng, phó GĐ nhà máy khi nói về giá trị của chiếc xuồng đã vui vẻ ví von:“ Xuồng đi trên biển cũng như ô tô đi trên đất liền. Một chiếc xe ô tô Hàn quốc đôi trăm triệu cũng có thể chạy trên đường phố. Nhưng xuồng chủ quyền giống như chiếc Audi đời mới, hiện đại. Khác nhau là ở chất lượng vỏ xe, tốc độ và sự an toàn trong sử dụng. Kiều bào ở Đức đã tặng cho quân và dân Song Tử Tây một món quà quý mà họ hằng mong đợi“.
Chuẩn đô đốc Đinh Gia Thật, Chính ủy Quân chủng Hải quân, trong bài phát biểu tại lễ bàn giao xuồng chủ quyền đã xúc động nói:“Món quà của kiều bào tại CHLB Đức tặng quân và dân đảo Song Tử Tây thuộc quần đảo Trường Sa không phải chỉ là sự chia sẻ mà là sự đồng hành trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ Quốc, không chỉ làm ấm lòng mà còn làm ấm lưng những người đang thực thi nhiệm vụ bảo vệ biển đảo“. Chính ông, người chiến sỹ hải quân năm xưa, vị chỉ huy cao nhất của quân chủng hải quân hôm nay, mặc áo phao trực tiếp đứng trên xuồng cùng đại diện kiều báo ta chạy thử xuồng chủ quyền trên sông Hạ Lý, Hải Phòng.
Bước xuống chiếc xuồng không to lớn như con tàu hậu cần mà tôi và những người đồng bào của tôi tại CHLB Đức mơ ước, nhưng nhìn dòng chữ Kiều bào tại CHLB Đức kính tặng in trên hai mạn xuồng làm tôi cảm động đến rưng rưng. Vậy là cuối cùng, sau bao nhiêu nỗ lực, bao nhiêu gắng gỏi, chúng ta cũng chạm tay được đến ước mơ.
Chạy thử cuồng CQ của Kiều bao Đức
Càng xúc động hơn khi xuồng băng băng rẽ sóng, trên bờ hàng chục cánh tay thân yêu, tin cậy cứ vẫy mãi. Làm tôi nhớ đêm chia tay ở Trường Sa lớn, ở đảo chìm Đá Nam, Len Đao... ở nhà dàn DK1 khi sóng lớn, những cánh tay cũng yêu thương, tin cậy như thế cứ vẫy mãi cho đến khi sóng biển mù khơi làm xa khuất hẳn. Chúng tôi trở về đất liền, về những thành phố yên bình, tráng lệ nhất châu Âu, bên vợ con. Còn các anh vẫn ở lại nơi ấy xa cách người thân, mong manh nơi đầu sóng ngọn gió, rình rập đêm ngày bên những hiểm nguy. Hầu hết những người đứng trên boong tàu trong những cuộc chia tay ấy đều khóc. Ai cũng hẹn gặp lại mà biết chắc chẳng mấy cơ hội.
Chợt nhớ chiếc xuồng chủ quyền với dòng chữ đề tặng của Kiều bào tại CHLB Đức nay mai sẽ lướt sóng trên vùng biển ở đảo Song Tử Tây, ở quần đảo Trường Sa mà ấm lòng. Chiếc xuồng chủ quyền đầu tiên của kiều bào tại Đức không chỉ giúp bảo vệ chủ quyền biển đảo, là cầu nối giữa ngư dân với lính đảo, mà từ nay là cầu nối yêu thương giữa những người đang canh giữ biển đảo với những kiều bào đang ở xa cách hàng ngàn cây số. Nó làm Trường Sa không xa trong trái tim những người Việt xa xứ. Đó cũng chính là tấm lòng nghĩa tình của bà con người Việt ở Đức đối với Trường Sa, trong đó có cá nhân tôi, dù công sức bé mọn, nhở nhoi.
Hùng Lý, Berlin, những ngày cuối tháng 05.2015 - Ảnh Phạm Mạnh Cường
PHỤ LỤC: NHỮNG THÔNG SỐ KỸ THUẬT VỀ XUỒNG CQXuồng CQ hay còn gọi là Xuồng Chủ Quyền là một loại phương tiện được nhiều đơn vị đóng quân của Việt Nam sử dụng trên biển Đông. Xuồng có khả năng trượt trên san hô, đá "mồ côi" không bị chìm, không bị thủng hay méo khi va đập. Đặc biệt, xuồng CQ có khả năng chạy xuyên qua sóng, chịu thêm được 1-2 cấp sóng so với xuồng thông thường.
Xuồng CQ giúp vận chuyển người và hàng hóa ra vào những điểm đảo/đá hay giữa điểm đảo/đá này và điểm đảo/đá khác do Việt Nam kiểm soát ở quần đảo Trường Sa thuộc biển Đông. Xuồng đã nhiều lần cứu hộ cho ngư dân và tàu cá gặp nạn, đồng thời ngăn chặn rất nhiều lượt tàu nước khác xâm nhập vào khu vực quần đảo mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền này. Xuồng CQ còn được gọi là "Xuồng cao tốc Trường Sa" hoặc "Xuồng Cá Mập".
Xuồng CQ được đóng bằng vật liệu composite giúp cho xuồng nhẹ, chịu nén, chịu kéo và chịu ăn mòn tốt.
Vật liệu composite rất nhẹ; khối lượng chỉ bằng 40% so với nhôm ở cùng thể tích. Nhờ ưu điểm này mà vật liệu composite đã được sử dụng để thay thế kim loại trong các sản phẩm của ngành cơ khí, chế tạo máy và đóng xuồng CQ.
Người ta có thể phủ lên mặt vật liệu composite một lớp nhũ có ánh kim để tạo cảm giác giống kim loại.
Xuồng CQ được bắt đầu nghiên cứu và chế tạo vào đầu năm 2005 khi mà tình hình khu vực biển Đông có nhiều biến động. Bộ tư lệnh Hải quân (Việt Nam) đã giao cho Viện kỹ thuật Hải quân nghiên cứu chế tạo một chiếc xuồng khắc phục được những nhược điểm mà những chiếc xuồng cũ đang gặp phải.
Sau gần một năm, chiếc xuồng nghiên cứu đã hoàn thành trên bản vẽ và về phần lý thuyết, chiếc xuồng có thể đạt được những tính năng như yêu cầu đặt ra và tất cả cùng bắt tay vào chế tạo chiếc xuồng đầu tiên. Phần vỏ tàu được chế tạo từ vật liệu composite có khả năng chịu được lực tác động lớn đồng thời có tuổi thọ cao.
Tháng 3 năm 2006, chiếc xuồng đầu tiên do Phòng Vỏ tàu nghiên cứu chế tạo đã hoàn thành và được đặt tên là xuồng CQ-01 ("xuồng Chủ Quyền 01").
Máy xuồng CQ nhập từ Nhật với công suất 240 mã lực
Từ năm 2007, Hải quân Việt Nam đã chế tạo nhiều xuồng CQ và cải tiến nhiều tính năng quan trọng.
• Chiều dài lớn nhất thân xuồng: 7,69m
• Chiều dài thiết kế: 6,5m
• Chiều rộng lớn nhất thân xuồng: 2,34m
• Chiều chìm: 0,42m
• Lượng choán nước lớn nhất: 2,8m3
• Số lượng người chuyên chở: 6 người
• Tốc độ xuồng: 26 hải lý/giờ tức khoảng 50-60km/giờ.
• Xuồng CQ có tải trọng hơn 1 tấn và có thể chở tối đa 15 người.
Xuồng chủ quyền - quà tặng nghĩa tình của người Việt tại Đức với quân, dân Trường Sa
Tiện ích
Phông chữ
- Font Size
- Default
- Chế độ đọc