Năm 1987, Thành Đoàn TP.HCM cử tôi đi học ở Đông Đức (Cộng hoà Dân chủ Đức), đó là lần đầu tiên tôi được “mở mắt” nhìn thiên hạ và học hỏi nhiều điều. CHDC Đức (1949-1990) lúc đó là nước phát triển nhất trong khối COMECON (Hội đồng tương trợ kinh tế).
1. Thật ra chuyến đi nước ngoài đầu tiên của tôi là tham gia chiến dịch giải phóng Campuchia khỏi nạn diệt chủng Pônpốt và xây dựng lại xứ sở chùa tháp. Còn lần này, tôi đi học. Náo nức và nôn nao hơn cả “Ngày tựu trường” của Thanh Tịnh. Nhận được giấy báo là vội đi xe lửa ra Hà Nội ngay, bởi chậm trễ là người khác “xí chỗ”. Tới nơi đã thấy anh em phía Nam chờ sẵn, họ còn nhanh hơn mình. Vậy mà gần cả tháng sau - vào đầu tháng 9 - mới lên đường, lại được đi vé hạng nhất mới oách chứ! Đoàn có 18 người là cán bộ Đoàn phụ trách thiếu nhi của các tỉnh. Dọc đường ra Bắc, mùa hè nóng như rang - thấy bà con còng lưng phơi nắng trên đồng ruộng - bỗng nhớ và thương ba mẹ mình chắc giờ này cũng vậy. Nhìn mấy cụ già gom cỏ khô và lá cây làm chất đốt, tự dưng mắt cay xè. Tôi cứ dằn vặt: “Mình được đi học từ công sức đóng thuế của những người dân như vậy, chẳng biết học xong có làm được chuyện gì để đáp trả”.
2. Lần đầu tiên xuất ngoại, phải đi sắm mấy bộ đồ mới và mượn cả va li. Ra Hà Nội thấy ai cũng đóng thùng giấy cho nhẹ, thế là bỏ va li. Thấy ai cũng mang theo bao nhiêu “hàng”, thế là cũng xoay sở vay mượn để mua. Với lại nếu mình đi tay không, thế nào cũng bị nhờ mang hộ, càng rách việc. Lúc ấy ở miền Bắc, thiên hạ kháo nhau đi nước ngoài là “Đại tu kinh tế - Trùng tu sức khoẻ - Tiểu tu kiến thức”! Đoàn đi vé hạng thương gia mà toàn xách thùng giấy, ngươi nào cũng mặc mấy bộ quần áo và độn đủ thứ hàng để có thêm vài ký hành lý! Lúc đó chỉ thấy kỳ chứ chưa biết xấu hổ như bây giờ. Trong khi đoàn Lào tất cả đều veston xanh đen, áo xanh nhạt, thắt cà vạt, xách cặp táp và va li đen...
3. Ấn tượng đầu tiên về CHDC Đức là sự ngăn nắp, sạch sẽ; từ đường phố cho đến nhà cửa. Nhìn bề ngoài ai cũng như ai. Tôi đã nhầm lái xe là lãnh đạo nhà trường vì tất cả đều mặc veston do trời lạnh. Đoàn học chung trường với sinh viên các nước Lào, Đan Mạch, Thuỵ Điển… tại học viện Hartenstein của Đoàn Thanh Niên Tự Do Đức. Mỗi phòng ở hai người, tiện nghi như khách sạn, chỉ khác là không có vệ sinh khép kín. Khu vực vệ sinh nam - nữ riêng biệt, nhà tắm không có cửa. Trường là một khu nhà cổ rất đẹp, có các sân thể thao và hồ nước thơ mộng. Ngày học hai buổi, giờ giải lao đều có ăn nhẹ. Chiều tha hồ chơi thể thao. Lớp học chỉ có 18 người nhưng có hai phiên dịch. Cách học chủ yếu là đặt vấn đề và thảo luận. Ban đầu không quen, cả thầy và trò đều khó chịu. Thầy hỏi - trò không trả lời thẳng mà cứ vòng vo loanh quanh. Nhớ lần dịch cụm từ “làm chủ tập thể” (thật ra là tập thể làm chủ) - thầy và phiên dịch nói qua nói lại nửa giờ vẫn chưa thông, cuối cùng đành phiên qua khái niệm “làm chủ xã hội chủ nghĩa” mới tạm ổn! Người Đức chỉ dùng tiếng Đức, từ bảng chỉ đường, biển hiệu cho đến bảng chỉ dẫn. Tiếng Nga là sinh ngữ chính còn tiếng Anh là phụ nhưng dân Đức có vẻ khoái tiếng Anh hơn.
4. Ở nhà cực khổ, qua Đông Đức, đồ ăn thức uống lúc nào cũng đầy ắp, ăn uống thoải mái nhưng không được bỏ. Mấy bữa đầu cứ ăn gà rán và táo cho đã. Vài ngày sau ngán, chỉ mỗi món trứng luộc là dễ ăn. Đồ ăn mang về ăn không hết bỏ vào thùng rác trong trường nếu bị phát hiện phải làm kiểm điểm vì tội hoang phí. Ban ngày, lỡ quên tắt đèn là nhân viên đến tận phòng nhắc nhở, dù bạn đang tiếp khách cũng mặc. Người Đức nổi tiếng là vệ sinh và cao ngạo. Họ không ăn trái cây gọt sẵn, phải tự tay làm lấy. Vào nhà bếp phải mặc đồ tiệt trùng. Ngày 20.11, chúng tôi xin vào bếp đãi thầy cô món chả giò, chả lụa, canh măng… ai cũng xuýt xoa “tuyệt, tuyệt”. Đó cũng là lần đầu tiên tôi thấy máy rửa chén, máy sấy chén. Dịp quốc khánh nước bạn, mỗi đứa được nửa trái chuối già đem từ Việt Nam qua. Vừa ăn vừa nhớ quê nên thấy chuối thơm ngon vô cùng.
"Đồ ăn ăn không hết bỏ vào thùng rác trong trường nếu bị phát hiện phải làm kiểm điểm vì tội hoang phí. Ban ngày, lỡ quên tắt đèn là nhân viên đến tận phòng nhắc nhở... "
5. Gần một nửa thời gian học là đi thực tế kết hợp tham quan. Đến thăm các trường mới hay học sinh học theo môn chứ không theo lớp. Mỗi môn có phòng học và các thiết bị riêng. Mỗi lớp chừng 20 em trở lại. Trường lớn lắm cũng chưa tới 500 học sinh. Từ lớp 6 các em đã làm quen với máy vi tính (lúc đó ở Việt Nam chưa thấy máy tính!). Trẻ con dạn dĩ vì từ nhỏ đã được rèn tính tự lập. Tôi đã được đến thăm Dresden, Leipzig, Jena, Gera, Postdam, Madenburg, Neubrandenburg… rồi lên Berlin. Đường tốt, cảnh trí và nhà cửa cứ như tranh vẽ. Bác tài cho biết các con đường này được làm từ những năm 1940, xe cứ chạy cả trăm km/giờ. Hệ thống xe lửa hiện đại và đúng giờ, là phương tiện giao thông chủ yếu, rất rẻ vì được nhà nước bù lỗ. Tôi cũng đã vào làm công nhân dây chuyền công nghiệp trong các nhà máy dệt may và tiền công được trả bằng sản phẩm tự chọn, ai cũng thích. Khắp nông thôn đều đã điện khí hoá, chỗ nào cũng dùng máy móc. Trong một lần dã ngoại, tôi bị đập vào gốc cây, mặt chảy máu và sưng vù. Nhà trường đưa vào trạm xá cho uống thuốc, chích ngừa. Trạm xá mà thiết bị hơn cả bệnh viện tỉnh ở Việt Nam lúc đó. Đến thăm trại tập trung - nơi phát xít Đức tàn sát mấy chục ngàn người Ba Lan, xem công nghệ thuộc da người làm chụp đèn ngủ và ví (bóp). Nhìn mấy chiếc đầu lâu được ngâm thuốc cho nhỏ lại, chỉ còn chừng 1/5 nhưng vẫn giữ nguyên hình dạng ban đầu để trên bàn làm việc của trùm phát xít - tôi bị ám ảnh cả tháng liền. Lại liên tưởng đến nhà tù Tung Sleng và Killing Field (Cánh đồng Chết) ở Phnom Penh. Bọn diệt chủng thì ở đâu cũng vậy.
6. Lần đầu tiên được xem CLB FC Carl Zeiss Jena đấu với một câu lạc bộ nước ngoài tại sân vận động địa phương. Lớp được nghỉ học, đi xe lửa lên tỉnh xem bóng đá. Dọc đường gặp vô số cổ động viên của hai đội, họ hò hét, thổi kèn đinh tai nhức óc. Hôm sau được nghỉ tiếp vì thầy nói không ra tiếng sau trận bóng.
Sau 4 tháng, chúng tôi học được biết bao nhiêu điều mới lạ, cả những day dứt và suy tư. Trong lần gặp gỡ các đoàn ở Bắc Âu, họ tự hào hát vang bài “Giải phóng Miền Nam” bằng tiếng Việt. Với họ, Mặt trận Dân tộc Giải Phóng Miền Nam là thần tượng với những Trần Văn Trà, Nguyễn Thị Định…Vậy mà trong đoàn nhiều cán bộ phía Bắc không thuộc bài hát! Chia tay Đông Đức giữa mùa đông lạnh giá tôi nhớ lời tâm sự vui của anh bạn Lào: “ Đi nước ngoài, không rành ngoại ngữ, ngồi cạnh các cô gái đẹp cũng như con khỉ được quả dừa. Biết ngon mà loay hoay không tài nào ăn được!”.
Đông Đức đã giúp tôi mở tầm nhìn ra thế giới. Các thầy cô: Wolfgang Humanik, Helmut Huster, Achim Kockritz, Ulrich Lorenz… chẳng biết ai còn ai mất? Tôi vẫn mong có dip trở lại, tìm gặp thầy cũ, trường xưa…
Nguyễn Văn Mỹ
Hoài niệm Đông Đức
Tiện ích
Phông chữ
- Font Size
- Default
- Chế độ đọc