Mới đó mà đã 8 năm tôi xa nhà, 8 năm tôi đón Tết xứ người ta giữa bầu trời đất khách... Tôi vẫn nhớ mãi cái khoảnh khắc yêu thương của của cái Tết đầu tiên xa quê hương tới xứ người đi học, hai hàng nước mắt chảy dài.
Đứng giữa biển người mà chợt nói với chính mình: “Ước gì giây phút này mình được trở về quê hương, trở về với mẹ cha và những thân thương xưa cũ bên dải đất miền trung đầy gió cát”, nhưng tôi biết ước mơ lúc ấy sẽ chỉ là một ước mơ không có thật. Tết quê hương lúc đó chỉ còn trong kí ức, trong những kỉ niệm của mười mấy năm dài đằng đẵng thân thương.
Mới đó mà đã 8 năm tôi xa nhà, 8 năm tôi đón Tết xứ người ta giữa bầu trời đất khách, cái cảm giác nhớ thương không còn quay quắt như cái thủa ban đầu nữa, nhưng mỗi lần Tết đến, lòng tôi lại bùi ngùi. Cậu em trai nhắn tin sang bảo: “Ở nhà mình bố mẹ đang muối hành đó, chị có thèm hành muối nữa không?”, tôi bỗng thấy mắt mình cay cay.
Bạn tôi hỏi rằng Tết đến mà lại ở xa quê, điều gì làm tôi cảm thấy khó khăn nhất và tôi đã nói rằng, đó chính là nỗi nhớ. Tôi vẫn thường “buộc” nỗi nhớ của mình rồi sau đó nhìn lên bầu trời chênh chếch hướng quê hương và thả nó cuốn bay, nhưng đôi khi, thả rồi mà sao lòng vẫn nao nao. Chợt ước, giá mà nỗi nhớ có thể bay được về miền quê hương, hẳn mẹ cha tôi sẽ ấm lòng biết bao. Bao nhiêu đêm mẹ thổn thức: “Tết đến, con cái người ta về đông đủ, còn con mình thì cứ phiêu bạt mãi chốn nơi nao”, nước mắt tôi lại lặng lẽ chảy dài.
Không phải là cái Tết đầu tiên tôi xa nhà nữa, không phải là cái Tết đầu tiên tôi xa mùi bánh chưng vẫn thường phồng lên trong đêm 30, nhưng lòng tôi vẫn rạo rực yêu thương trong mỗi độ xuân về. Mùa xuân đến thật bịn rịn mang theo những khoảnh khắc nhớ thương và bao nỗi lòng ấm ủ của những đứa con xa, lòng tôi lại trào dâng một niềm khó tả. Ở xứ người này vào mỗi độ xuân về, cộng đồng người Việt vẫn tổ chức đón xuân với bánh chưng, hành muối, rượu vang, mì xào. Nhưng dẫu có đủ đầy đến bao nhiêu, tôi vẫn thấy cái Tết phía trời quê ấm áp và bình yên hơn cả.
Ở Đức, người Việt định cư khá nhiều, ở những thành phố lớn, Hội Người Việt thường tổ chức đón Tết rất đông vui với các chương trình ca nhạc, các bài hát cổ truyền, các món ăn đậm chất quê hương để lưu giữ lại một truyền thống tốt đẹp cho thế hệ đời sau. Và trong giây phút đó, các khoảng cách tình người bỗng xích lại gần nhau hơn, những cái ôm ấm áp được truyền cho nhau, để cùng động viên và an ủi nhau vượt qua những tháng ngày khốn khó và vất vả nơi phương trời xa. Đi du học, nghĩa là đã được may mắn hơn rất nhiều người rồi, nhưng cái giá phải trả là nỗi nhớ, là khát khao, là tình yêu thương không còn được nguyên vẹn nữa. Cho dù có nhận được nhiều cái ôm gió thân thương của những người thân yêu từ Việt Nam gửi sang, tôi vẫn thấy mình đang thiếu một cái gì đó mà đã từ rất lâu rồi tôi không còn được chạm tay tới nữa. Có lẽ nó chỉ còn tồn tại trong kí ức, trong trái tim của mỗi người con xa xứ.
Tôi biết, để chống chọi được với nỗi nhớ là cả một chặng đường dài mà không chỉ riêng tôi mà tất cả các du học sinh khác trên địa cầu này phải trải qua. Tết xứ người ta dẫu có đủ đầy hương vị thì cũng làm sao có thể sánh bằng cái Tết quê nhà. Nhưng đối với chúng tôi, những đứa con cách xa dải đất hình chữ S mến thương thì năm mới cũng là dịp để tất cả cùng siết chặt bàn tay nhau, cùng động viên và an ủi, cùng thưởng thức những món ăn truyền thống quê nhà, cùng hát những bản tình ca và dường như trên ánh mắt của mỗi người, đều thấp thoáng một niềm vui, dẫu cho niềm vui đó có không trọn vẹn thì ai cũng hiểu rằng rồi sẽ có một ngày gần, họ sẽ được đón Tết dưới bầu trời quê.
Với riêng tôi, vào mỗi mùa xuân không được về với mẹ, tôi luôn thấy mình có lỗi với mẹ thật nhiều. Tự nhủ rằng mình sẽ cố gắng, sẽ sống và học tốt để mùa xuân năm sau và những mùa xuân sau này nữa, tôi sẽ lại được cùng cha mẹ đón những dịu dàng và để tôi chẳng bao giờ còn phải bật thốt “Tết ơi!”.