feed-image

Hãy nhấn „Thích Trang“ để theo dõi tin tức cập nhật của Tạp chí Hương Việt trên trang Facebook của bạn!

BỎ QUA

Op2 1140X206P 1 frame

Phông chữ
Nhớ năm đầu ở xứ người, khi cụm pháo đầu tiên của năm mới vút lên cao, cũng là lúc khách khứa tản hết ra ngoài xem. Mấy đứa sinh viên bồi bàn bọn tôi và nhóm phục vụ nhà hàng cũng được ngơi tay dọn dẹp. (Hoài Linh, Đức)

Sáng nay, như thường lệ, tôi mở laptop đợi tin nhắn bên nhà. Cửa sổ chát Yahoo đã ở sẵn chế độ tự động login. "Chị Hai ơi, sắp đến Tết rồi. Bên đó chị có chuẩn bị gì đón Tết không? Em rất mong chị về để...lì xì cho em :-)".

Dòng offline message của đứa em gái khiến tôi khựng lại, ngồi ngẩn ra. Mắt nhoè dần đi. Nhanh thật. Mới đó mà đã 5 mùa Tết trôi qua, 5 lần không được sum họp cùng gia đình. Nỗi nhớ nhà bỗng dâng lên cồn cào, quay quắt trong tôi. Thời gian cứ lao đi vùn vụt có chờ đợi ai đâu. Những kí ức xa xưa như cơn gió bất chợt ùa về, lật giở từng trang nhật kí thưở ấu thơ.

Trẻ con ai chẳng mong ngóng Tết về. Thích nhất là vài ngày sau khi tiễn ông Táo chầu trời, tầm chiều chiều, mẹ hay đèo tôi sau xe dạo phố ngắm hoa. Khí trời giáp Tết se lạnh, tôi co ro trong chiếc áo khoác theo mẹ len lỏi hết hàng hoa này đến hàng hoa khác. Mênh mông bao nhiêu là lộc non, chồi biếc đua nhau khoe sắc dưới ánh nắng vàng. Mai, đào, vạn thọ, thược dược, cẩm chướng, cẩm ly, thuỷ tiên, mào gà, trạng nguyên, hướng dương... ôi thôi là nhiều. Cây kiểng thì có bonsai, quất (tắc) thế, nguyệt quế, mai tứ quí, chuối cảnh, xương rồng... với đủ hình thù uốn lượn. Tôi như mê mẩn đi trước vẻ rực rỡ tràn trề của cây cỏ mùa xuân.

Thường thì tôi nhanh chóng bị cuốn vào việc mải miết xem cây quất nào có nhiều quả nhất, cụm ớt chỉ thiên nào xôm trái nhất để chỉ mẹ mua. Hầu như năm nào mẹ cũng chọn hai chậu cúc mâm xôi thật to để đặt trước cửa. Mẹ bảo: "màu vàng tượng trưng cho tiền bạc, phú quý; còn mâm cúc càng to thì lộc vào nhà càng nhiều". Tôi thích lắm cái cảm giác được vuốt ve nhè nhẹ lên khắp bề mặt cái mâm cúc ấy. Nó gợi lên một nỗi xúc cảm rất đặc biệt, xao xuyến đến lạ kì. Nó mơn man gan bàn tay và len loi vào tận ngõ ngách tâm hồn của một đứa trẻ như tôi. Đến tận bây giờ, bao nhiêu năm đã trôi qua, tôi vẫn còn nhớ như in sự mềm mại của mâm hoa ngày nào. Thuở ấy, tôi từng ao ước, giá như mẹ có thật nhiều tiền để mua hết tất cả những hàng cúc mâm xôi. Rồi mang về nhà, kê thật sát các chậu cúc vào nhau, dệt thành tấm thảm hoa khổng lồ. Và tôi sẽ thả mình lên đấy để hít hà, để mơn trớn hết cái mượt mà của hoa.

Sau này, khi xa nhà đi du học, tôi có dịp thấy những thưở ruộng bạt ngàn cải dầu(*) của nông dân Đức. Mùa trổ bông, xa ngút tầm mắt chỉ toàn hoa cải vàng tươi giống hệt mâm cúc khổng lồ ngày nào trong trí tưởng tượng của tôi. Quá vui sướng, tôi thả mình chạy băng băng giữa những luống hoa vàng ươm và cười reo thích thú. Rồi tôi gieo mình nằm trên thảm hoa, lim dim ngắm trời xanh bát ngát. Giấc mơ tuổi thơ đã trở thành hiện thực rồi! Lòng tôi phấn chấn quá đỗi. Nhưng chợt từ khoé mi ứa ra dòng nước mắt nghẹn ngào. Tâm trạng bỗng rối bời, thầm hỏi bản thân: "chẳng lẽ cứ phải xa quê hương mới đạt được mộng ước của mình ư?".

Khoảng 29 Tết là lúc nhà tôi rục rịch chung lon gạo, miếng thịt với các bác, các chú trong họ chuẩn bị gói bánh chưng. Một chiếc chiếu cói được trải ra ở giữa khoảng sân nhà ông nội. Trên đấy bày la liệt nguyên liệu làm bánh: lá dong xanh ngắt, gạo nếp vo trắng ngần, đỗ xanh đã xát vỏ vàng ươm, thịt heo ướp hành tím lấm tấm hạt tiêu đen. Bên cạnh là dây lạt dẻo và khung vuông ép bánh. Người lớn vừa thoăn thoắt gói, vừa rôm rả trò chuyện. Bọn trẻ con chúng tôi nô đùa nghịch ngợm bên ngoài í ới. Khi sắp hết nhân bánh, ông tôi sẽ vét nốt phần còn dư của gạo, đỗ và thịt làm thành cái "bánh giỏi". Lũ trẻ chúng tôi gọi vậy, vì ông để giành cái bánh chưng bé ấy cho đứa nào ngoan và học giỏi nhất nhà năm qua.

Nhưng thú vị nhất có lẽ là phần luộc bánh. Vì mẹ hay mua sẵn khoai lang để đấy. Khi lửa được nhóm lên và than đã hồng, bọn trẻ chúng tôi tranh nhau quẳng khoai vào rồi hau háu đợi khoai chín. Mùi khoai nướng thơm nức mũi làm mấy cái mồm chọp chẹp đầy thèm thuồng. Một năm mẹ mua lẫn lộn cả khoai lang và khoai tây. Từ đấy tôi biết rằng, khoai tây nướng chấm đường ăn cũng ngon đáo để chẳng kém gì khoai lang.

Cái "phát minh" vĩ đại từ thời xa lắc ấy đã cứu nguy tôi khá nhiều ngày mới chân ướt chân ráo tới Đức. Vốn ở Việt Nam chỉ thích ăn rau củ các loại chung với cơm, tôi không thể nhanh chóng thích nghi với đồ ăn nước bạn toàn những phô mai, xúc xích, bơ sữa béo đến phát ngán. Hồi mới qua, tôi còn thói quen qui đổi Euro ra tiền Việt nên thắt hầu bao rất chặt, chẳng dám mua nhiều đồ châu Á nhập khẩu đắt đỏ. May mà Đức là xứ sở khoai tây nên thứ củ này rất rẻ. Bao nhiêu món từ khoai tây được tôi trổ tài sáng tạo: món khoái khẩu khoai tây nướng chấm đường làm thức ăn sáng, khoai tây để vỏ nướng ăn kèm thịt, khoai tây trộn thịt băm đút lò, khoai tây thái mỏng trộn nước sốt nướng, vân vân...

Sớm 30 Tết hằng năm là thời điểm gia đình tôi nhộn nhịp dọn dẹp và trang trí nhà cửa đón xuân về. Bố lau chùi bàn thờ tổ tiên, đánh bóng lư đồng, còn mẹ tỉ mẩn sắp mâm ngũ quả. Mãng cầu, trái dừa nhỏ, quả đu đủ, xoài xanh theo câu "Cầu vừa đủ xài" được mẹ ưu tiên nên năm nào cũng có mặt. Thêm nhành sung để năm mới sung túc; mấy trái cam, quýt, bưởi để mâm quả thêm xôm tụ. Tôi thường quanh quẩn bên mẹ giúp tỉa lá, cắt cành, dán tấm giấy đỏ có chữ Trung Quốc gì đó (chắc chữ Phúc, Lộc hay Thọ) vào cặp dưa hay cặp bưởi. Rồi tôi lại lon ton giúp bố quét nhà, rửa tách uống trà, treo thiệp lên cành mai, lau chùi bàn ghế... Vừa làm, tôi vừa ngó đồng hồ và lẩm nhẩm tính lùi xem còn bao lâu nữa sẽ đến giao thừa.

Bao nhiêu việc lặt vặt, khá là nhiều đối với một đứa trẻ. Nhưng tôi làm với tất cả sự hăng say và tin tưởng rằng, may mắn sẽ đến nhiều hơn khi nhà cửa sạch sẽ, tươm tất. Thỉnh thoảng mẹ đi ngang dặn dò: "Quét cho sạch nha con, đến Tết là kị không được quét nhà tới hết mùng đó". Sau bữa cơm tối, bố sẽ thịt một con gà trống cúng giao thừa. Tôi luôn xung phong phụ bố giữ cánh, túm chân để ông rảnh tay cắt tiết. Bố chiều tôi là chính, chứ sức mọn của trẻ con được mấy hột mà đòi giúp. Lúc sắp cắt cổ gà, ông thường lẩm nhẩm: "Cuối năm, tao hoá kiếp mày, kiếp sau làm con khác sướng hơn con gà nhe mày!". Lần đầu nghe vậy, tôi nghệt mặt hỏi lại: "Kiếp con nào sướng hơn kiếp con gà hả bố?". Ông chỉ phì cười mà không trả lời.

Đúng thời khắc giao thừa thiêng liêng, bố mẹ gọi tôi lại, xoa đầu trìu mến và chúc tôi mau ăn chóng lớn, vâng lời, học giỏi. Hồi đó mẹ chưa sinh thêm em bé, nên tôi nghiễm nhiên là cục cưng trong nhà. Tôi nghe chúc chỉ nửa phần, nửa phần còn lại chăm chú vào cái phong bao đỏ chót bố đang cầm trên tay. Năm trước, tôi học lỏm được từ thằng Tí sún trong xóm mấy câu chúc thiệt hay. Nhờ vậy mà bố lì xì tôi những 2 lần. Năm nay, làm y như năm ngoái, đợi bố mẹ chúc xong, tôi ứng dụng ro ro:"Tết đến xuân sang, con chúc, cả nhà an khang, tiền vào như nước, ngợp đầy hồng phước". Bố tôi bật cười ha hả, rồi rút một lúc 2 phong bao li xì thưởng con gái. Công nhận thằng Tí sún hay quá xá. Không biết ai dạy, mà năm nào nó cũng thủ sẵn vài câu chúc rất vần, kiểu như "năm Mão sắp sang, xin chúc, cả nhà an khang, quyền chức leo thang, tủ đầy bạc vàng" hoặc "vạn sự như ý, tiền nhiều nặng kí, công việc vừa ý, sống lâu một tí".

Rồi cả nhà kéo nhau ra sân ngắm pháo bông. Từng chùm, từng chùm rực rỡ cứ đua nhau vươn mình trên bầu trời đen thẫm chào đón phút giây giao thoa thiêng liêng. Trẻ con nên chẳng nghĩ ngợi nhiều, thấy Tết được lì xì, được coi đốt pháo là vui cười toét miệng rồi. Sau này lơn lớn một chút, tôi thường nghe mẹ khe khẽ thở dài bên cạnh: "Chắc ông bà ngoại ở quê cũng đang ngắm pháo bông! Lâu quá rồi không về thăm hai cụ". Nỗi nhớ quê cha đất tổ của mẹ có lẽ cũng da diết như nỗi nhớ nhà của con nơi xứ người lúc Tết sắp về phải không mẹ?

Nhớ năm đầu tiên nơi xứ người, khi cụm pháo đầu tiên của năm mới ưỡn mình vút lên cao, cũng là lúc khách khứa tản hết ra ngoài xem pháo. Mấy đứa sinh viên bồi bàn bọn tôi và nhóm phục vụ nhà hàng cũng được ngơi tay dọn dẹp. Thẫn thờ đứng ngắm từng đợt pháo tuôn trào mà thấy như có sóng trong lòng. Mặc dù là Tết tây, nhưng bầu trời rực sáng ánh hào quang lúc bấy giờ giống hệt giao thừa ở quê nhà năm nào. Chỉ khác là không có mùi nhang phảng phất, không có mâm cúng ông bà tổ tiên, cũng chẳng có ngũ quả hay cặp dưa. Đặc biệt là lạnh. Lạnh tê tái, buốt tận đáy lòng. Lạnh vì gió và tuyết. Nhưng sao bằng cái lạnh sâu thẳm trong tâm hồn của một đứa con phải xa gia đình, hỡi ai có hiểu cho chăng?

Sáng mồng Một Tết, mẹ thường cho tôi "thả ga" ngủ nướng đến hơn 10 giờ mới gọi dậy. Sau đó, cả nhà sửa soạn đến nhà ông nội tập trung ăn trưa. Truyền thống bên nội năm nào cũng thế. Cứ trưa ngày đầu năm, hết thảy họ hàng sẽ quây quần ở nhà ông tận hưởng một bữa ăn đầm ấm. Đó cũng là dịp để mọi người sum họp bên nhau, cùng nhau ôn lại những kỉ niệm xa xưa hồi còn ngoài Bắc và qua đó thắt chắt thêm tình ruột thịt trong đại gia đình. Buổi chiều, bọn trẻ chúng tôi túm năm tụm bảy chơi Bầu Cua Cá Cọp đến tận tối. Đứa thắng thì hả hê vì có nhiều may mắn. Đứa thua cũng chẳng buồn, vì sợ buồn sẽ "dông" cả năm.

Qua mồng 2 tôi hay "bám càng" bố đi thăm mấy bác, mấy chú họ hàng xa để kiếm tiền lì xì. Heo đất của tôi cả năm nhịn đói, riêng mấy ngày này được chủ vỗ béo liên tục. Đến tận mồng 3, mồng 4 bố mới chở tôi đi thăm bạn bè và qua mấy nhà trong xóm chơi. Thường thì tầm này mẹ cũng hạ từ từ mâm ngũ quả hoặc bổ cặp dưa. Dưa mẹ lựa vỏ luôn mỏng, ruột đỏ au, ăn ngọt xớt mát lịm tận ruột gan.

Trong trí nhớ còn non nớt của tôi thuở ấy, mấy ngày Tết trôi qua nhanh lắm. Mới hôm nào còn nhai mứt bí, cắn hột dưa rồi tung tăng khắp xóm với chúng bạn; hôm sau đã phải lồm cồm dậy sớm vác cặp đi học rồi. Bởi vậy, suốt thời thơ ấu, lúc nào đọng trong tôi cũng là nỗi tiếc nuối hương vị Tết đã qua và sự nóng lòng mong Tết lại mau đến.

Lớn lên, mải miết theo đuổi những dự định và hoài bão lớn lao, tôi rời quê nhà học tập ở tận nước Đức xa xôi. Tết bây giờ chỉ còn là hoài niệm đẹp đẽ một thời. Điều này đúng chẳng riêng gì với tôi, mà đúng với tất cả các bạn du học sinh không có điều kiện thăm gia đình vào mấy ngày ngắn ngủi cuối tháng chạp âm lịch. Khi nhà nhà ở quê hương Việt Nam nô nức làm mứt, muối dưa hành hay gói bánh chưng chuẩn bị đón xuân, thì tại Đức, lễ Giáng Sinh đã qua rất lâu và nhịp sống hằng ngày đã phủ đầy lớp áo bình thường của nó.

Trong giới sinh viên, tầm cuối tháng 1 đầu tháng 2 dương lịch là lúc cao điểm thi cử. Lạng quạng học bài không kĩ để rớt phải thi lại kì sau thì hỏng bét. Công sức suốt học kì đổ hết xuống sông xuống biển. Ai vừa học vừa làm thì lúc này không đủ thời gian mà ngủ nữa, nói chi đến tổ chức Tết. Mà tổ chức Tết với ai bây giờ? Dân bản xứ thì miễn bàn, loại khỏi danh sách. Người Việt cũng chẳng có nhiều, ngoại trừ tại các thành phố lớn như Berlin, Munich hay Frankfurt thôi. Chứ ở thành phố bé hay tỉnh lẻ thì chẳng kiếm đâu ra cả. Cho nên tôi và vài bạn khác thường tụ lại thành nhóm rồi tổ chức nấu nướng chung ở nhà ai đó, hoặc có năm đi tàu đến thành phố lớn, nhập vào một hội sinh viên người Việt ở đấy.

Chúng tôi chuẩn bị cũng đấy đủ các món ra trò: gà luộc, chả giò, canh măng hầm chân giò, đồ xào thập cẩm. Mấy thứ "quốc hồn, quốc tuý" chủ lực ngày Tết như bánh chưng, giò lụa, hành muối và mứt các loại chủ yếu được mua ở cửa hàng châu Á. Đúng 6h tối, tức giao thừa ở Việt Nam, chúng tôi nâng ly chúc nhau nhưng điều tốt lành. Rồi ai cũng tản ra để gọi điện, viết tin nhắn về nhà, hoặc lao vào laptop ngóng người thân online ở Yahoo để chát.

Đó là mấy năm sau này khi đã quen nhiều anh chị người Việt ở Đức. Chứ hồi mới sang, cái Tết đầu tiên của tôi quả là tủi thân quá đi. Học kì năm ấy phải thi khoảng 10 môn, học bài gần chết. Ngày 30 Tết, sau khi chiến đấu xong môn thứ 2 trong cùng một ngày thi, tôi lao đảo trở về phòng trọ lúc gần 4 giờ chiều. Mệt mỏi vì hôm trước thức khuya học bài, tôi lăn ra ngủ lấy sức. May mà còn nhớ là mấy ngày trước có hẹn với mẹ sẽ online nói chuyện vào giao thừa nên để đồng hồ báo thức lúc 6 giờ tối. Chuông reo, tối vùng dậy chạy đến mở máy tính.

Cả nhà đang ngắm pháo hoa và đợi tôi ở bên kia màn hình. Nghe tiếng pháo, tiếng chúc mừng năm mới của bố mẹ và em gái mà tôi cứ nghẹn ngào, thút thít mãi. Lúc ấy ước gì có ông bụt hay bà Tiên nào đó hoá phép cái vèo, để tôi lập tức "chui tọt" vào màn hình laptop, ùa về hưởng giao thừa với cả gia đình ở Việt Nam. Nhưng tiếc rằng mong ước mãi chỉ là ước mong... Thút thít một lúc rồi lại phải lấy tay quệt nước mắt, tự trấn an mình "ráng lên, còn có vài học kì nữa là xong, rồi lại được về quê ăn Tết". Giao thừa năm ấy chỉ ngắn ngủi mỗi vậy...Tôi chẳng thể nấn ná nói chuyện lâu thêm với bố mẹ...2 môn thi kế tiếp đang đợi tôi ngày mai...

Bố mẹ ơi, chỉ vài ngày nữa là Tết con Mèo rồi. Năm nay con lại đành lỗi hẹn lần nữa, không thể về quê ăn Tết cùng cả nhà. Lần thứ 6 thất hứa rồi bố mẹ nhỉ? Con cứ hứa thật nhiều rồi thất hứa cũng thật nhiều, đáng giận quá đi! Xin bố mẹ tha lỗi cho con, và hãy tin rằng, đứa con chỉ biết hứa suông này luôn hướng về nơi "chôn nhau cắt rốn", và luôn mong mỏi được hưởng trọn vẹn một cái Tết ấm cúng bên gia đình. Con ở xa không thể giúp bố dọn nhà, phụ mẹ sắp mâm ngũ quả. Thông qua VnExpress, con muốn gửi lời chúc tốt lành nhất đến ông bà, bố mẹ, các bác, các cô chú trong gia đình. Riêng đối với độc giả khắp nơi, hãy coi bài viết của tôi là "lời quê chắp nhặt dông dài", chỉ mong giúp các bạn "mua vui cũng được một vài trống canh".

Năm hết Tết đến, chúc mọi người ai cũng gặp hên và cuộc sống luôn phất lên.

(*)cải dầu: tiếng Đức: Raps, tiếng Anh: Rapeseed): được trồng để lấy dầu.

Lại Thị Hoài Linh


Thêm bình luận

TIN TỨC - SỰ KIỆN MỚI CẬP NHẬT

QUẢNG CÁO
tapchihuongviet.eu 2020 02 07 um 17.29.59
tapchihuongviet.eu 2019 07 19 um 15.05.46
banner fam right

Hội chợ 'Việt Nam tại Đức' thu hút khách tham quan

Trong khuôn khổ Hội chợ Xuân AFA 2020, Tạp chí Hương Việt tổ chức sự kiện đặc biệt với chủ đề "Việt Nam tại Đức" nhân dịp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Đức (1975-2020).

tapchihuongviet_treviet_vdKỷ niệm 10 năm hình thành và phát triển của Tạp chí Hương Việt

Kỷ niệm 10 năm hình thành và phát triển của Tạp chí Hương Việt, đồng thời hướng tới 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Đức. Tạp chí Hương Việt cùng các Hội đoàn người Việt phía Tây-Nam nước Đức đã tổ chức chương trình Lễ hội văn hoá Việt Nam - Hương Việt 2019.