LTS: Vô tình dạo “phây” chúng tôi đọc được những truyện ngắn này của bạn Hung Nguyen trên trang viết cá nhân của anh. Nhận thấy, mặc dù bằng lối viết nhanh trên FB, nhưng những truyện này cũng phản ánh khá chân thực lối sống, hoàn cảnh của một bộ phận người Việt ở Đức. Được sự đồng ý của anh, chúng tôi xin trân trọng đăng lại trên Tạp chí để bạn đọc thưởng thức. Hung Nguyen cũng chính là Hùng Lý, tác giả quen thuộc của những bài viết đã được giới thiệu trên Hương Việt trong thời gian qua.
.
.
LỐI SỐNG1. CHỦ ĐẤT.
Nhìn bề ngoài anh không khác gì người nông dân chân lấm, tay bùn. Cái gì ở anh cũng mang hơi hướng của đất. Từ cái quần bò sờn, áo khoác nhà binh dày cộp của Mỹ, đôi giày quá khổ, đến da dẻ, khuôn mặt. Tất cả đều nhầu nhĩ dấu ấn thời gian và mang một màu nâu của đất. Nhưng thật sự anh là chủ đất. Gọi thế không ngoa, vì ngay ở vùng giáp ranh giữa đông và tây Đức này anh ta sở hữu hàng chục ngàn m2 đất đai, nhà cửa, trường học, chưa kể hàng chục km2 rừng. Riêng toà nhà anh ta đang ở, có mặt tiền dài cả trăm mét. Dưới là hệ thống nhà hàng. Trên là hệ thống nhà ở. Đằng sau là xưởng, vườn trồng rau, ao thả cá, trại nuôi gà... bát ngát, mênh mông. Nghe nói dinh thự này vốn của dòng họ thợ rèn lâu đời nhất vùng. Khi anh mua, nó gần như hoang phế. Anh đã gây dựng lại nó theo cách riêng của mình. Cách của con chim xây tổ. Tức cứ đi nhặt nhạnh, gom góp từng viên gạch, mẩu sắt, thứ mà người ta vứt đi. Kiên trì, nhẫn nại biến đống hoang tàn trở về thành quách nguy nga cổ xưa. Thấy tôi nghi ngờ, anh xòe bàn tay. Quả không thể tin nổi đó là bàn tay của một Việt kiều, của một ông chủ đất. Nó khô cằn và u từng cục những chai sần.
Ngôi trường xây từ năm 1900 vừa về tay chủ đất.
Tới bữa, anh đãi khách một mâm thịnh soạn. Nào là cá được dân câu địa phương cho, để trong tủ đá cả năm nấu với dưa tự muối, một đĩa bò xào với vài cọng cần hái trong vườn nhà, đĩa đậu phụ rán lướt, lá cải già luộc chấm xì dầu.
Trịnh trọng bê bình rượu từ trên tủ cao đặt vào giữa bàn, anh khoe đây là thứ rượu vang quý của người em rể tự nấu đem cho. Cả buổi anh nâng niu chai rượu và dè sẻn rót vào cốc nào đã thực sự uống hết. Không nài ép.Do mải chuyện trò, tôi vô ý để rơi mẩu ớt cắn dở xuống đất. Tôi nhặt lên để cạnh bàn. Cuối buổi tôi cầm mẩu ớt định vứt đi, anh nhẹ nhàng ngăn lại, rồi trân trọng cầm mẩu ớt màu đỏ tía cho vào bát nước mắm ăn dở, bọc biệc cẩn thận, cất vào tủ lạnh.
2. ĐẠI GIA.
Dù được mời, nhưng khi tôi đến vẫn phải chờ mươi phút, đại gia mới tất tả từ văn phòng về nhà. Tôi quen đại gia này cả chục năm nhưng hôm rồi mới có dịp mục sở thị dinh cơ hoành tráng mà đại gia và gia đình đang sở hữu. Toạ lạc ngay trên ngã tư một con phố đẹp giữa Thủ đô Berlin, ngôi biệt thự nổi bật hơn hẳn những ngôi biệt thự khác trong con phố chỉ toàn biệt thự dành cho người giàu, cả về tầm vóc lẫn kiểu cách kiến trúc.
Bước vào sau cánh cửa sắt tự động là một khuôn viên rộng cả ngàn mét với cây cối, vườn tược, non bộ, ao thả cá, chiếc cầu gỗ mảnh mai được chạm khắc cầu kỳ bắc qua đôi bờ hồ liễu rũ. Dưới mặt nước đã gần đóng băng, hàng chục con cá với đủ màu sắc vẫn tung tăng uốn lượn. Nghe nói mỗi con cá đó có giá cả ngàn Euro vì sống được dưới mọi thời tiết. Ngay cổng ra vào là Gara ô tô đang nhốt hai con xe Mẹc đời mới, ngoài con xe Poche cả trăm ngàn mà đại gia đang ngự. Bước vào nhà tôi choáng ngợp bởi sự sang trọng tới từng chi tiết của đồ đạc, tranh ảnh lẫn hoa lá, tiện nghi của từng phòng.
Vẳng ra từ phòng khách tiếng Piano thánh thót, du dương. Bên đàn là thiếu gia thứ hai nhà đại gia đang lướt phím. Mới 15 tuổi thiếu gia đã sở hữu chiều cao 1,80m, gương mặt điển trai, thông minh với đôi mắt đen giống tạc bố lấp lánh sau gọng kính trắng.
Khẩu phần bữa ăn tối thiểu của người Việt tại Đức
Sau màn giới thiệu gia sản, con cái đại gia vồn vã mời khách vào bàn. Cầm mấy ly uống rượu láng cóng đặt trên mặt bàn phủ khăn trắng muốt, đại gia nâng niu cầm chai rượu vang rót cẩn trọng vào từng ly thứ rượu màu đỏ sậm. Tôi nhìn chai rượu mà giật mình. Thứ rượu đó thường thấy trong góc nhà của bất cứ người Việt bình dân nào. Mà cũng chỉ còn lưng chai. Sau màn mời rượu đại gia móc thuốc ra hút. Không phải là loại xì gà giá cả trăm Đô một điếu như các đại gia ở nhà ta thường dùng mà là loại thuốc bất cứ anh cửu vạn nào cũng có trong nhà cả tút. Loay hoay mãi đại gia mới lôi từ trong túi một vỏ bao thuốc bẹp dúm bẹp dó chẳng còn lấy một điếu. Lục quanh các ngăn tủ cũng chẳng còn một bao dở. Rồi kêu đói, đại gia vơ vội mấy mẩu bánh con ăn thừa, ngồi nhai tem tém. Chưa đã cơn, đại gia lấy gói mỳ tôm, đổ nước sôi và xì xụp chén hồn nhiên trước mặt khách như đang chén một món đặc sản đầy khoái khẩu.
Khuya, lúc tôi về, thấy đại gia lại tay xách nách mang máy tính, cặp da. Hóa ra về tiếp khách xong, đại gia lại tất tả trở lại văn phòng với công việc.
3. THỢ THUYỀN.Tôi có thằng đàn em thân thiết như anh em ruột thịt. Chồng làm bếp, vợ làm bồi. Cũng có hai đứa con gái xinh xắn. Tính tình hắn cương trực, nóng nảy. Được cái yêu con và thịnh tình với bạn bè. Năm nào nghỉ hè, nghỉ đông cũng đưa vợ con đi du lịch bất cứ nơi nào trên Thế giới, miễn là con thích. Vào căn hộ tuềnh toàng hắn ở thuê, góc nào cũng lủng củng rượu ngoại, rượu thuốc. Toàn thứ quý hiếm, đắt tiền. Hắn thì không hề uống dù một giọt rượu, chỉ bia. Trong tủ lạnh đầy đồ ăn châu Á. Toàn thứ hắn thích và người xa xứ nào cũng thèm: từ rau muống, rau đay, mướp hương tới cà tím, tía tô, kinh giới… đủ cả, còn hơn ở Việt Nam. Mỗi lần hắn đãi khách, chỉ một tấm ny lon trải trên nền nhà nhưng bày lên đó nào là những con tôm hùm to như cái thuyền, những con cua biển to như cái chậu lại còn bạch tuộc, ốc hấp, hào sống, xôi gà... thôi thì ê hề. Chưa kể rượu mạnh, rượu vang, bia rót cứ tràn cung mây. Ly này chưa vơi đã rót thêm ly khác. Đến nhà hắn trăm lần giống thế, mỗi khi đứng dậy "bàn" tiệc chưa vơi quá nửa và cốc nào cốc nấy vẫn lưng lửng rượu, bia uống thừa.
Hôm rồi nhờ hắn chở vào chợ Đồng Xuân mua tý đồ, cánh cửa chiếc xe Mẹc thể thao đời cũ mèm của hắn bấm mãi chẳng chịu mở. Tôi hỏi:
-"Hỏng sao không sửa?". Hắn cười ngoác:
-"Kệ mẹ nó. Miễn đi là được".Chỉ chạy được vài ba cây xe chết máy. Hoá ra hết xăng. Hai anh em hì hục đẩy. Giữa trời đông tuyết giá mà mồ hôi vã ra như tắm. Tôi bực mình bảo nó:
-"Sao hết xăng mà không bơm?". Nó hồn nhiên:
-"Biết chết liền".
-"Sao không biết?" Tôi sẵng giọng.
-"Kim xăng chết từ lâu rồi"
-"Chết sao không chữa? Đáng bao nhiêu tiền đâu". Nó cười ỏn ẻn:
-"Đời ta muôn vàn đời nó. Quan trọng gì".Bơm xăng xong, nhấn cái, máy nổ. Nó lại ngoác cười. Nụ cười hồn nhiên và rạng rỡ như trẻ được quà.
Hùng Lý, Berlin, đầu tháng 12/2013, tapchihuongviet.eu
Truyện ngắn của tác giả Hùng Lý - Cách sống Việt ở Đức
Tiện ích
Phông chữ
- Font Size
- Default
- Chế độ đọc