140 năm trước đây Karl Marx đã mổ xẻ phân tích những nguyên nhân khủng hoảng kinh tế trong tác phẩm nền tảng nhan đề “Tư bản luận”.
Sau gần thế kỷ rưỡi, và nhất là vài thập niên cuối tưởng chừng lãng quên, giờ đây phần đầu của “Tư bản luận” đã được ấn hành dưới dạng sách có âm thanh và đọc “Tư bản” đang là trào lưu trong giới độc giả nghiêm túc.
Lời nhắc nhở và mách bảo của khủng hoảng
“Tư bản” của Marx được xem như là một trong những tác phẩm lý luận giàu kiến thức nhất trong thế kỷ 19. Chính vì thế thật khó lòng tưởng tượng ra tác phẩm này ở hình thức sách ghi âm. Dù sao chăng nữa, ngay trong những ngày vừa qua bạn đọc Đức đã có thể vừa là độc giả vừa là thính giả của tập I “Tư bản luận”. Quả là bản sách ghi âm mới ra đời còn phải theo phương án rất giản đơn, nhưng dù sao một kiểu ấn phẩm tưởng chừng như không thể có nay đã hiện diện trên thị trường thời công nghệ cao. Tác phẩm lý luận có âm thanh gồm 6 đĩa CD, thời gian nghe liên tục là 7 giờ.
Do đâu bỗng nảy ra ý tưởng ấn hành một tác phẩm đồ sộ như “Tư bản” dưới dạng sách ghi âm? Nữ chuyên gia xuất bản Margit Osterwold lý giải, “nguyên do thì hiển nhiên là bởi khủng hoảng ngân hàng. Đột nhiên tất cả mọi người đều nhớ lại và nói đến tác phẩm của Karl Marx, thêm nữa là không chỉ riêng trên các tạp chí chuyên ngành kinh tế, mà ở mọi giới, ngay cả trong những cuộc chuyện vãn giữa những người quen với nhau, khắp nơi đều chỉ nghe thấy nói về Marx”.
Bản thân bà Margit Osterwold cũng đã muốn bồi lấp khoảng trống kiến thức của mình, bởi cho tới lúc đó chính bà cũng chưa từng đọc Karl Marx. “Vì tôi không phải là chuyên viên trong lĩnh vực kinh tế, mà chỉ đơn thuần là người làm nghề xuất bản, cho nên tôi chưa bao giờ thấy đặc biệt ham mê tìm hiểu về lý luận kinh tế tài chính, chỉ trừ những khi cần thiết phải cầu tới nhà băng”.
Kể cũng lạ, vì rằng bà Margit Osterwold 65 tuổi là người thuộc thế hệ 1968, mà việc nghiên cứu tác phẩm của Karl Marx và Friedrich Engels hầu như là việc nhất thiết trong giáo dục kiến thức cơ bản. Thời đó, những bộ sách của Marx và Engels đóng bìa xanh đã gần như là một biểu tượng đặc trưng của văn hóa, và mỗi sinh viên giữa những năm 80 đều phải có trên bàn học. “Tuy vậy, hóa ra là không phải toàn thể các đại diện của thế hệ 68 chúng tôi đều đã đọc Marx”, - bà Osterwold nhận xét.
Ngay cả ông Jörn Schütrumpf, Giám đốc nhà xuất bản Karl Dietz Verlag ở Berlin chuyên in ấn các tác phẩm của Marx, cũng nói rằng ông biết “chỉ có rất ít người đọc “Tư bản” một cách trọn vẹn”. Nhà xuất bản đã cho ra đời 43 bộ tác phẩm của Marx và Engels. Công trình chủ đạo hiển nhiên là “Tư bản luận” gồm 3 tập, cùng với 3 tập bổ sung. Sinh thời Marx chỉ in phần thứ nhất của công trình này vào năm 1867. Sau khi Marx qua đời, người bạn chí thiết Engels đã dày công tập hợp những bản thảo và tài liệu lưu trữ bề bộn do tác giả để dở dang và chăm lo xuất bản nốt những tập còn lại.
Bối cảnh chung không những chỉ ra cho những người như bà Margit Osterwold thấy chỗ hổng kiến thức của cá nhân, mà đồng thời cũng mách bảo cho các chuyên gia xuất bản một hướng dịch vụ đáp ứng nhu cầu xã hội. Hiện thời, một nhóm các nhà khoa học từ các nước khác nhau đang làm việc để ấn hành bộ “Tư bản” tân kỳ.
Cuốn sách ghi âm mới chỉ chứa 5 trong số 25 chương của tập I “Tư bản luận”, và khi xuất bản hòan chỉnh thì đề án độc đáo này sẽ là khả năng đầu tiên đưa công trình lý luận kỳ vĩ của tác gia Karl Marx đến với người đọc hiện đại theo một con đường hoàn toàn mới.
“Tư bản” đang là sách bán chạy
Dù đây là tác phẩm khó hiểu, nhưng dạng thức mới của “Tư bản luận” lập tức thu hút sự chú ý và nhu cầu mua tăng vọt. Kèm theo hiện tượng khá phổ biến là tại nhiều thành phố của nước Đức, những độc giả mà cụ thể là trong giới sinh viên đã tự phát qui tụ tạo thành những nhóm đọc Marx. Sách ghi âm còn chưa nhiều và chưa hoàn chỉnh, vì thế cơ sở cung cấp ấn phẩm Marx cho những nhóm này vẫn là nhà xuất bản Karl Dietz Verlag.
Ông Jörn Schütrumpf nhận định, “hôm nay trước mắt chúng ta là một thế hệ hoàn toàn khác. Đã hai chục năm nay trong xã hội dường như có cuộc “chiến tranh lạnh” nào đó chống lại đám trẻ. Hàng ngày cái xã hội này dường như ngụ ý với lớp thanh niên đương đại rằng: chúng ta không cần đến quí vị, vì vậy hãy cứ đi mà tự thu xếp những gì có thể. Thế rồi khủng hoảng và ai đó từ thế hệ vô tư này bắt đầu đọc sách lý luận”.
Marx - tư tưởng gia của tự do đích thực
Giới đọc Marx đã xuất hiện tại 34 trường đại học ở các thành phố của nước Đức. Phải nói thêm rằng bây giờ người ta không chỉ đọc Marx một cách sơ lược hời hợt, như hiện tượng trong những năm 70 ở Tây Đức - đọc để hiểu gì đó về phía Đông. Chuyên gia xã hội học Heinz Bude ở trường Đại học Tổng hợp Kasseler cho biết, trong chương trình ở trường này có các seminar tập trung nghiền ngẫm lại toàn bộ di sản tư tưởng của Karl Marx.
Cũng theo chuyên viên Bude, hôm nay Marx vẫn dạy chúng ta không chấp nhận thực trạng thế giới hiện tại, đồng thời dạy cách tìm kiếm đối trọng để đổi mới. Bởi có thể coi Marx là lý luận gia của tự do đích thực. Theo quan điểm của Heinz Bude, “mỗi khi nói về tự do, đặc biệt là về thứ tự do mà chúng ta vẫn mường tượng cho tương lai, thì cuộc đối thoại nhất định sẽ đề cập đến Marx và những tác phẩm của bậc thiên tài này”.
Karl Marx 'sống lại' ở quê nhà
Tiện ích
Phông chữ
- Font Size
- Default
- Chế độ đọc