Một người lính Hồng quân từng xuất hiện trong bức ảnh nổi tiếng chụp cảnh cắm cờ trên nóc toà nhà Quốc hội Đức vừa qua đời, thọ 93 tuổi. Đằng sau bức ảnh lịch sử này còn nhiều câu chuyện ít người biết đến.
Bức ảnh lịch sử
Abdulkhakim Ismailov là một quân nhân có vẻ ngoài bình thường trong hàng ngũ Hồng quân Liên Xô. Nhưng ông đặc biệt bởi từng tham gia trận chiến Stalingrad khốc liệt, góp phần tiêu diệt Tập đoàn quân số 6 của phát xít Đức, qua đó đổi chiều kết cục Đệ nhị Thế chiến. Dù 5 lần bị thương trong chiến đấu, Ismailov vẫn bám theo đoàn quân tiến thẳng tới thủ đô Berlin và leo lên nóc Toà nhà Quốc hội Đức để cắm lá cờ chiến thắng, được nhiếp ảnh gia Yevgeny Khaldei chụp lại trong tác phẩm để đời của ông.Bức ảnh cắm cờ của Khaldei thường được so sánh với bức ảnh do phóng viên hãng tin Associated Press chụp cảnh lính Mỹ kéo cờ tại Iwo Jima vào năm 1945, và được xem là các biểu tượng chiến thắng chủ nghĩa phát xít. Khaldei sau này kể rằng ông đã vội vã khâu lá cờ từ ba chiếc khăn trải bàn tại Moskva, sau khi được lệnh bay tới Berlin để chụp ảnh sự sụp đổ của phát xít Đức.
Abdulkhakim Ismailov (góc dưới bên phải) trong quá trình cắm cờ để Khaldei chụp ảnh
Ngay khi tới Berlin, Khaldei đã chọn Meliton Varlamovich Kantaria cùng các đồng đội Mikhail Yegorov và Ismailov tham gia cắm cờ để ông chụp ảnh. Kantaria, người gốc Gruzia đã leo lên cắm cờ trong khi Yegorov và Ismailov đóng vai trò hỗ trợ.
Tuy nhiên khi chiến tranh kết thúc, không một ai nhắc tới Ismailov. Vai trò của suýt nữa đã bị quên lãng nếu như tên ông không được đề cập tới trong một cuốn phim tài liệu được chiếu hồi năm 1995, nhân kỷ niệm 50 năm ngày kết thúc Đệ nhị thế chiến. Năm tiếp theo, ông được chính quyền Kremlin trao tặng danh hiệu Anh hùng nước Nga.
Hôm 17/2 vừa qua, Ismailov đã qua đời vì tuổi cao, sức yếu tại làng Chagar- Otar, khu vực Nam Dagestan của Nga. Chính quyền Dagestan đã ra thông cáo bày tỏ lòng tiếc thương trước cái chết của Ismailov: “Những trải nghiệm cuộc sống khổng lồ của ông và sự phục vụ của ông dành cho Đất mẹ sẽ tồn tại mãi mãi trong tâm trí của thế hệ hôm nay và mai sau”. Binh lính từ một doanh trại địa phương đã nổ súng vĩnh biệt Ismailov trong đám tang diễn ra hôm 18/2. Thi hài của ông được chôn cất tại làng Chagar-Otar.
Những người hùng thầm lặngKhaldei, người qua đời hồi năm 1997, đã chụp nhiều bức ảnh nổi tiếng trong thời khắc chiến thắng lịch sử cùng chiếc máy ảnh Leica của ông. Khaldei sau này thừa nhận rằng ông đã dàn dựng bức ảnh cắm cờ vào ngày 2/5/1945 và có chỉnh sửa ảnh khi về Moskva.
Cụ thể, ông đã tẩy đi hình ảnh chiếc đồng hồ trên tay một người lính, thêm vào chút khói và thay lá cờ búa liềm đẹp hơn. Khaldei giải thích rằng việc ông thường dàn dựng hoặc sửa ảnh là để nâng cao hơn tầm quan trọng và tăng sức biểu cảm cho một sự kiện cụ thể như chiến thắng ở Berlin.
Thực tế, trước khi Khaldei dàn dựng việc cắm cờ để chụp ảnh, một nhóm lính Hồng quân đã thành công trong việc treo cờ lên nóc toà nhà Quốc hội Đức trong đêm 30/4/1945. Nhân vật đầu tiên cắm cờ được xác định là Mikhail Petrovich Minin. Ông cũng là một trong những lính Hồng quân đầu tiên tiến được vào toà nhà Quốc hội Đức trong đêm lịch sử. Mikhail Minin sinh năm 1922 ở làng Vanino, phía bắc vùng Pskov Oblast của Nga.
Bức tranh minh hoạ hoạt động cắm cờ của nhóm Minin
Tháng 6/1941, ông tình nguyện tham gia quân đội chiến đấu chống phát xít Đức. Ông đã tham gia nhiều trận đánh để giải phóng Leningrad và tiếp đó tiến tới Berlin. Khi cuộc chiến đi vào hồi kết, Joseph Stalin đã yêu cầu binh lính cắm cờ lên nóc Toà nhà Quốc hội Đức trước ngày 1/5/1945. Các lãnh đạo của Minin nói với ông rằng bất kỳ một mảnh vải đỏ nào tung bay trên nóc toà nhà đều có nghĩa Liên Xô đã chiến thắng.
Trong cuốn phim tài liệu “War of the Century” do Đức thực hiện, Minin kể lại rằng Trung đội ông nhận được lệnh tấn công Toà nhà Quốc hội Đức vào đêm ngày 30/4 để treo cờ chiến thắng. 4 quân nhân xung phong vào tổ xung kích, gồm G. Zagitov, A. Lisimenko, A. Bobrov và M. Minin đã được quân Đức cố thủ trong toà nhà Quốc hội “chào đón” bằng một cơn bão lửa.
Minin kể lại: “Chạy trước tôi là Zagitov, cậu ấy mang theo một chiếc đèn pin. Chiếc đèn pin đó đã giúp chúng tôi đi lên phía trên toà nhà, qua những đoạn cầu thang bị hư hỏng. Toàn bộ hành lang dẫn tới các đoạn cầu thang đều được dọn dẹp bằng thủ pháo và những loạt tiểu liên ngắn”.
Trên đường, Minin giật một đoạn ống nước dài khoảng nửa mét làm cột cờ. Lên tới mái, ông và Zagitov tra cờ vào cán. “Đột nhiên một vụ nổ lớn làm sáng rõ phần mái và Lisimenko nhận thấy địa điểm cắm cờ đã được chọn từ trước - một bức tượng ngựa làm từ đồng, bên cạnh là một phụ nữ đeo vương miện lớn” - Minin kể - “Chúng tôi quyết định ngay rằng sẽ cắm cờ ở bức tượng. Hai đồng đội đẩy tôi lên cao để tôi cắm lá cờ vào vương miện của bức tượng lớn. Chúng tôi kiểm tra thời gian. Đó đã là 22 giờ 40 phút giờ địa phương”.
Tuy nhiên ngay ngày hôm sau, lính Đức đã bắn gãy lá cờ do Minin và đồng đội dựng lên. Phải thêm vài ngày nữa, khu vực xung quanh toà nhà Quốc hội Đức mới thực sự sạch bóng kẻ thù và tạo điều kiện thuận lợi để Yevgeny Khaldei cho ra đời bức ảnh lịch sử của ông.
Người tham gia cắm cờ trên nóc nhà Quốc hội Đức qua đời
Tiện ích
Phông chữ
- Font Size
- Default
- Chế độ đọc