Khi làm dâu tôi đã 34 tuổi, nhưng nếu có con thì phải xin phép mẹ chồng. Ăn uống thì bà đếm từng lát bánh mì, tôi định uống nước trái cây thì bà với tay giật lại. Có thể các chị sẽ nghĩ rằng tại tôi nghèo nên bị khinh, nhưng toàn bộ chi phí ăn uống là do tôi tự trả tiền.
Tôi đã đọc bài của chị Hoài từ nhiều ngày nay, nhưng mãi đến hôm nay tôi mới viết thư đến mục Tâm sự, hy vọng là cho dù bài không được đăng thì toà soạn cũng sẽ chuyển đến các chị.
Theo tôi, nếu hai vợ chồng đã cố gắng cải thiện, nhưng vẫn không thể hạnh phúc thì chúng ta nên giải thoát cho nhau. Nhưng nếu tình cảm vợ chồng bị chi phối bởi ngoại cảnh (gia đình chồng/vợ) thì chúng ta nên xem lại. Nếu mối quan hệ không được cải thiện thì chúng ta nên chọn cách sống riêng.
Chị "Old Street Hotel" có lý, nhưng đừng vội lên án chị Hoài. Thường thì ở trong chăn mới biết chăn có rận. Tôi cũng đã chọn cách sống riêng vì không chịu đựng nổi mẹ chồng. Và xin thưa rằng mẹ chồng tôi cũng là người phương Tây "không hận nhau và văn minh hơn" đấy chị ạ.
Tôi xin kể qua chuyện của mình để chị biết. Mẹ chồng tôi là người Đức, trước khi về hưu bà làm vi̓ệc ở Tòa thị chính Hannover (Landtag). Bà từng là thư ký của ông Schröder, sau này là Thủ tướng Đức. Tôi nói vậy để các chị hiểu rằng, bà là người có học và có địa vị trong xã hội, chồng tôi là con trai duy nhất của bà.
Cho dù làm dâu ở nước ngoài nhưng tôi không hề nghĩ là mình sẽ ra sống riêng, vì bà cũng đã có tuổi và bố chồng tôi đã mất từ lâu, chồng tôi lại là con một. Nói thật là cho đến bây giờ tôi vẫn rất áy náy vì phải để bà sống một mình, nhưng nếu tôi không chọn giải pháp này thì có lẽ giờ chúng tôi đã không còn hạnh phúc.
Chúng tôi phải sống dưới sự kiểm soát chặt chẽ của mẹ chồng: không được có tài khoản chung, không được giữ chìa khoá cửa, đi đâu cũng phải đưa bà đi cùng, công việc nhà thì chồng tôi không được động tay vào, chỉ một mình tôi quán xuyến. Cho dù chúng tôi mệt rã người thì vẫn phải ở dưới nhà với bà để xem tivi cho đến nửa đêm chứ không được lên phòng sớm hơn.
Khi làm dâu tôi đã 34 tuổi, nhưng nếu có con thì phải xin phép mẹ chồng. Ăn uống thì bà đếm từng lát bánh mì, tôi định uống nước trái cây thì bà với tay giật lại. Có thể các chị sẽ nghĩ rằng tại gia cảnh tôi nghèo nên bị khinh khi, nhưng toàn bộ chi phí ăn uống là do tôi tự trả bằng tiền mang từ nhà đi! Ngoài ra tôi còn phải lo toàn bộ việc nhà.
Sáng tôi dậy sớm lo học tiếng, chuẩn bị bữa sáng cho chồng, bữa sáng cho mẹ chồng thì tôi bưng lên tận trên lầu. Có lần bà còn chờ lúc tôi lên gọi chồng tôi dậy đi làm để mắng là "tại mày đi lại quá nên nó mới phải dậy sớm", lúc đó đã là 7h! Lúc chúng tôi đi vắng thì bà lên phòng để lục đồ đạc kiểm tra. Có lần chúng tôi về đột ngột nên bà không kịp dọn. Khi lên chúng tôi còn thấy đố đạc lung tung ở ngoài.
Bà còn dặn tôi không nên gọi về nhà nhiều, không được nhớ nhà. Không được gọi cho cô tôi hiện cũng sống ở Đức và còn rất nhiều, rất nhiều những chuyện khác nữa xảy ra hàng ngày... Nghe có lẽ rất phi lý, nhưng thời gian đầu tôi từ 61 kg xuống còn 57 kg. Có lẽ các chị nghĩ là tôi phóng đại? Tiếc rằng tất cả đều là sự thật và tôi từng nghĩ đến việc có lẽ mình phải chia tay.
Đúng là chúng ta nên đứng ở vị trí mẹ chồng để suy nghĩ và hành động, nhưng cái gì cũng có giới hạn của nó các chị ạ. Có thể các chị sẽ không tin là có người như mẹ chồng tôi, sau khi bố chồng tôi mất thì bà đã không cho chồng tôi về thăm bên nội, đến khi ông bà nội mất cũng không về. Mẹ chồng tôi có một người em gái sinh đôi nhưng bà cũng không muốn chúng tôi liên lạc.
Nếu nghe bà kể chuyện về hàng xóm thì tất cả mọi người đều xấu. Vì sao thế các chị? Là tại tính cách của từng người, vì vậy chúng ta đừng vơ cả nắm theo kiểu phương Tây phương Đông. Ở đâu cũng có người tốt và người xấu, môi trường sống có ảnh hưởng tới chúng ta nhưng không phải là tất cả! Nếu là người có tính cách xấu và ích kỷ chỉ nghĩ cho mình thì ở bên họ mình sẽ rất mệt mỏi. Nếu tinh thần thường xuyên căng thẳng thì làm sao chúng ta vui vẻ và hạnh phúc được?
Ngược lại với mẹ chồng tôi, mẹ tôi cũng là mẹ chồng (em trai tôi đã lập gia đình) và bà là người Việt Nam, bà có cách cư xử trái ngược hẳn. Khi tôi còn đang ở nhà, tôi dành cơm cháy để ăn trước vì sợ bố mẹ bị hỏng răng, phần cơm nóng thì để dành các cụ, phần cơm nguội hấp ở trên thì để em dâu, vậy mà mẹ tôi không đồng ý. Mẹ tôi bảo rằng "để mẹ ăn cơm hấp cho, miếng ngon nhất bao giờ cũng nên để phần cho người về muộn".
Nhiều khi thấy mình và mẹ bận rộn việc nhà mà em dâu thờ ơ quá, tôi bực bảo nếu tình hình cứ thế này mãi thì phải nói chuyện với em trai tôi để vợ chồng nó bảo nhau. Mẹ tôi bảo không được làm thế, vợ chồng nó lại phải cãi nhau, mẹ có làm thêm một chút thì cũng chẳng sao. Mẹ đã già nhưng có miếng ngon gì cũng dành cho các con chứ không như mẹ chồng tôi có gì ngon thì dành ăn trước.
Dài đòng kể lể để các anh chị hiểu rằng, cuộc sống và hoàn cảnh của mỗi người khác nhau. Chúng ta tham khảo lời khuyên của mọi người, nhưng cũng phải tuỳ hoàn cảnh của riêng chúng ta để mà áp dụng. Và càng không nên có nhận định chủ quan một chiều.
Chúc các chị hạnh phúc,
Tuong Vy