feed-image

Hãy nhấn „Thích Trang“ để theo dõi tin tức cập nhật của Tạp chí Hương Việt trên trang Facebook của bạn!

BỎ QUA

Op2 1140X206P 1 frame

Phông chữ
Là một du học sinh và tôi cũng đã hoàn thành xong chương trình đại học tại CHLB Đức. Dẫu biết rằng tôi sẽ về, và tôi cũng đã xác định về, nhưng nhiều khi tôi tự hỏi: liệu có nên trở về?

Trước khi sang đây, thực tế tôi cũng nghĩ là mình sẽ ở lại, sẽ lấy một cô vợ người Đức, sẽ… vân vân và vân vân. Nhưng rồi, sau 5 năm học đại học, sau gần ấy năm xa quê hương, gia đình, người thân, tôi mới thấy rằng không đâu bằng chính quê hương mình.

Giờ đây, trước khi trở về, mọi người khuyên tôi một ý, người bảo về, người nói ở lại. Ngay cả bố mẹ tôi, anh em tôi cũng muốn tôi ở lại, nhưng họ đâu có hiểu cuộc sống bên này và bố mẹ tôi đâu có hiểu tôi về cũng vì họ. Nếu như Việt Nam không phải là nơi tôi đã từng trải qua thời thơ ấu, không phải là nơi có bố mẹ, anh chị, bạn bè tôi đang sống thì tôi về làm gì. Nếu như tôi không biết tôi sinh ra ở đâu, không biết tôi lớn lên ở đâu, có lẽ tôi sẽ chọn một nơi nào đó tốt nhất để tôi sống. Tôi sẽ chọn nước Đức làm quê hương tôi. Nhưng “Cây có cội” và “Sông có nguồn” ở nơi xa này, tôi thấy nỗi nhớ nhà luôn thôi thúc tôi trở về.

Hôm nay, một ngày đầu tháng 10, Hà Nội kỷ niệm 1000 năm Thăng long-Hà Nội, chợt nghe bài hát Nhớ về Hà Nội của Hồng Nhung tôi lại càng thêm nhớ Hà Nội, nhớ thủ đô của tôi. Những kỉ niệm lại ùa về trong tôi, tôi lại càng mong ngày trở về.

Tôi nghĩ cách đây hơn 80 năm, người thanh niên Nguyễn Tất Thành (sau này là chủ tịch Hồ Chí Minh) sau một thời gian dài bôn ba khắp bốn phương trời để học hỏi các nền văn hoá tiên tiến trên thế giới, dù ở các nước hoà bình, văn minh hàng đầu thế giới nhưng người thanh niên đó vẫn quyết tâm trở về Việt Nam - nơi đang chìm trong đau khổ vì chiến tranh, lạc hậu và là một nước thuộc địa, nô lệ…Và anh đã lựa chọn đúng (tôi xin phép được gọi là anh, vì tôi đang ở độ tuổi như Nguyễn Tất Thành hồi đó). Một lựa chọn vĩ đại, mà nhờ đó chúng ta mới có tên nước Việt trên bản đồ thế giới.

Tôi không mong ước vĩ đại như Nguyễn Tất Thành, tôi không vĩ đại như anh, không xuất chúng như anh. Nhưng tôi chỉ nghĩ đất nước đang hoà bình, đang phát triển nhanh, không còn thời bao cấp, cơ hội việc làm nhiều… cớ chi cứ phải bám vào nước Đức như bao người đang làm. Liệu có nhất thiết phải là nước Đức? Liệu ai đi rồi cũng ở lại như thế thì nước Đức có lẽ sẽ phải cần một diện tích gấp năm, gấp ba lần bây giờ mới chứa đủ người nhập cư. Tôi thấy tôi còn trẻ, cơ hội còn nhiều, tôi muốn về làm việc tại quê hương tôi - Việt Nam. Nhiều người cũng ủng hộ tôi về, vì họ ở bên này giờ muốn về cũng không về nổi. Vì sao? Vì họ còn có vợ con họ bên này, vì họ đang ở cái tuổi chẳng phải trẻ, mà cũng không phải già. Không còn trẻ để làm lại từ đầu, và cũng chưa đủ già đề về nghỉ ngơi. Về thì họ sẽ làm gì, con họ sẽ ra sao… một bài toán lớn mà hầu như không có lời giải cho họ.

Còn nhiều người cũng nói tôi bị "hâm" nếu về. Nhưng thử nghĩ xem, họ đi làm như trâu như bò, bán sức lao động bằng chân bằng tay lấy vài đồng Euro để gửi về Việt Nam mua nhà, mua đất làm cho giá đất trong nước cao ngút trời, trong khi họ đâu được ở. Tối ngày đi làm, họ làm việc 365/365 ngày, hầu như không tiếp xúc, không bạn bè ngay cả với chính người Việt. Liệu có đáng không?

Còn nhớ mấy năm về trước có một gia đình họ Lý người Hàn Quốc, gốc gác của họ là người Việt. Tuy tổ tiên họ đã rời nước ta sang Hàn Quốc được hàng vài trăm năm. Giờ đây họ đích thực là người Hàn Quốc, không biết tiếng Việt, ấy vậy mà sau hàng trăm năm, một gia đình họ Lý đã học tiếng Việt tìm về cội nguồn của họ ở Bắc Ninh, rồi cả gia đình chuyển về Việt Nam sinh sống, coi mình là người Việt. Việc di cư từ một nước phát triển, tiên tiến về một nước lạc hậu, đang phát triển của họ từ lâu đã làm tôi rất khâm phục. Thế nên tôi nghĩ việc trở về lại quê hương của tôi đâu có gì to tát so với họ.

Tất nhiên mỗi người một suy nghĩ, một quan điểm và cách nhìn khác nhau về cuộc sống. Tôi xác định về lại Việt Nam, nhưng tôi trăn trở trước khi trở về vì tôi muốn mọi việc được tốt đẹp. Tôi mong điều tốt lành sẽ đến với tôi. Còn tôi luôn tự nhủ như một lời bài hát: “Cuộc đời là hư vô. Bôn ba chi xứ người khi mình còn đôi tay”

Quý Hà
 

Thêm bình luận

TIN TỨC - SỰ KIỆN MỚI CẬP NHẬT

QUẢNG CÁO
tapchihuongviet.eu 2020 02 07 um 17.29.59
tapchihuongviet.eu 2019 07 19 um 15.05.46
banner fam right

Hội chợ 'Việt Nam tại Đức' thu hút khách tham quan

Trong khuôn khổ Hội chợ Xuân AFA 2020, Tạp chí Hương Việt tổ chức sự kiện đặc biệt với chủ đề "Việt Nam tại Đức" nhân dịp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Đức (1975-2020).

tapchihuongviet_treviet_vdKỷ niệm 10 năm hình thành và phát triển của Tạp chí Hương Việt

Kỷ niệm 10 năm hình thành và phát triển của Tạp chí Hương Việt, đồng thời hướng tới 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Đức. Tạp chí Hương Việt cùng các Hội đoàn người Việt phía Tây-Nam nước Đức đã tổ chức chương trình Lễ hội văn hoá Việt Nam - Hương Việt 2019.