Chúng ta điên đầu và sốt ruột khi nhìn thấy những hiện tượng không hay dọc đường thiên lý. Người ta vừa xả rác qua cửa ô tô vừa cười xuề xòa khi đống rác “vả” vào mặt người đi đường không may. Người ta ung dung tè ngay chỗ có cái biển cấm to tướng “Cấm đái bậy”. Người ta uốn cong thanh sắt hàng rào để chui qua, tránh đi vòng một đoạn đường.
Người ta coi mọi dòng sông, dù được tiếng là vĩ đại hay thơ mộng trên đất nước như là nơi có thể vứt tất cả mọi thứ xuống kể cả chuột chết, chó chết, heo chết và hô biến “chảy đi sông ơi!”. Người ta ngồi xổm nơi đợi tàu, trạm xe buýt, trên ghế quán phở và ngay trong phòng đợi ga hàng không đẹp và tối tân nhất đất nước là Nội Bài hay Tân Sơn Nhất. Người viết bài này từng thấy một số người Việt ngồi xổm buôn dưa lê bên đống va ly trong phòng đợi sân bay Frankfurt bên Đức trước những đôi mắt rất khó định nghĩa của người châu Âu. Người ta ăn uống nhồm nhoàm và nhổ ngay xương gà xuống chân. Sàn nhà quán phở luôn là nơi chứa giấy ăn vứt bỏ, trắng xóa. Người ta bẻ cả những cây non mới trồng khi cần một cái que gạt bùn dưới gót giầy. Người ta sờ vào những hiện vật khảo cổ trong phòng triển lãm vì tò mò hay để lấy may. Người ta hút thuốc lá bất kỳ chỗ nào muốn hút. Vân vân, không kể xiết.
Ai cũng lắc đầu ngán ngẩm cho người Việt luôn được giới thiệu kèm những tính từ “anh hùng, bất khuất”, công dân của một đất nước nghìn năm văn hiến. Nhân viên công quyền có nhiệm vụ trông coi môi trường, vệ sinh đường phố, an toàn thực phẩm không đủ có mặt khắp nơi để xử phạt, khuyên bảo. Cũng có thể “không dại gì” hay “không ăn gì” mà dây vào. Mãi rồi chính họ cũng thấy những chuyện khó coi ấy thành bình thường. Ở bẩn sống lâu, dễ người dễ ta, ngậm miệng ăn tiền, được vạ má sưng… là những lời khuyên nuốt không vô với thế giới thẳng thớm, văn minh. Thay vào đó, người ta viết rất nhiều khẩu hiệu, chăng lên và yên tâm đi nhậu hay đi ngủ.
Họ luôn nghĩ rằng, khẩu hiệu đã viết lên, treo lên, cùng với uy thế của chính quyền và nội quy, pháp luật, với số tiền phạt kèm theo, tất mọi người phải làm theo. Vì không làm theo thì sẵn chế tài đấy, phạt! Chính vì thế mà ta thường đọc thấy khẩu hiệu luôn có những chữ “hãy”, “phải”, “tuyệt đối”, “chịu hoàn toàn trách nhiệm”, “cấm”, “không được”… Ví như cái biển “cấm đái” nói trên. Như “Phải đổ rác vào nơi quy định” hoặc “Phải dùng bao cao su để chống AIDS” hoặc “Tuyệt đối chấp hành nội quy đường phố của phường”. Cuộc sống đã được sơ đồ hóa: chính quyền ra chế tài, ngành chuyên môn viết khẩu hiệu. Dân đọc, dân chấp hành. Không chấp hành thì hãy đợi đấy, phạt!
Chưa thấy ai phạt được ai vì những cái lỗi tưởng vụn vặt nhưng lại là vết nhơ trên khuôn mặt người Việt. Bởi vì “ăn gì mà phạt” như cảnh sát giao thông thường chỉ thổi phạt những chiếc xe máy đắt tiền cỡ @ hay SH. Họ đâu có để mắt tới người đi xe đạp hay đi bộ phạm luật! Khi khẩu hiệu đã viết lên phải thế này, hãy thế kia mà dân quyết không làm theo, vẫn nhổ bậy, vẫn xả rác, vẫn ngồi xổm thì nhân viên công quyền nhún vai: dân trí quá thấp!
“Khẩu hiệu” không phải là “khẩu lệnh” của lính. Khẩu hiệu chỉ là lời nhắc nhở, thuyết phục. Cho nên viết khẩu hiệu là một nghệ thuật. Đó là cái thuật thuyết phục đám đông.
Có một trong nhiều câu khẩu hiệu ở Vườn quốc gia Ba Vì làm tôi nhớ mãi: “Rừng đẹp là nhờ tay bạn”. “Nếu bạn lỡ vứt một que diêm đang cháy xuống cỏ, cảnh đẹp này có thể mãi mãi không còn”. Hoặc một câu khác ở đâu đó chống ma tuý: “Đời đang đẹp thế sao bạn phí hoài?”. Một câu khuyên thanh niên dùng bao cao su: “Đừng quên tôi trong cuộc vui bạn nhé” hoặc: “Tôi là thần hộ mệnh của bạn”. Trên đường phố Bordeaux nước Pháp, cạnh mấy cái thùng rác thỉnh thoảng gặp một câu khẩu hiệu nhỏ: “Bordeaux, je la respecte” (Bordeaux ơi, tôi kính trọng Người). Bordeaux thường được dùng như giống đực nhưng người ta đã khôn khéo dùng giống cái ở đây. Như mẹ, như chị gái, em gái, người yêu. Ai còn nỡ làm bẩn Bordeaux!
Nói phải củ cải cũng nghe, nếu biết cách nói.
Nguyễn Quang Thân
Nói phải, củ cải cũng nghe!
Tiện ích
Phông chữ
- Font Size
- Default
- Chế độ đọc