Lê Thị Huệ: Bạn viết nhiều thể loai. Thơ, truyện, dịch, tản văn, tùm lum. Thích mình ở mục nào nhất ?
Thế Dũng: Đôi khi ý tưởng sáng tác trong tôi lên cơn thao thức cho tới lúc tâm trí tự tìm ra thể loại thích hợp. Sau đó, một cảnh ngộ hoặc một áp lực cụ thể sẽ làm tôi viết bằng xong. Cứ viết được một cái gì đó là thích rồi. Tuy nhiên, bây giờ thì tôi thấy thích mình ở mục tiểu thuyết nhất. Có lẽ, vì đây là công việc lao động kiên nhẫn nặng nhọc, đầy thử thách không thể dựa dẫm vào cảm hứng.
Lê Thị Huệ: Vừa tung lên mạng, vừa duy trì nhà xuất bản giấy ở Đức. Rồi còn in sách thường xuyên ở Hà Nội. Tại sao làm nhiều thứ như thế ?
Thế Dũng: Thích được sống trong sự giao lưu đa chiều và muốn sống có chất lượng cao. Muốn sống cao hơn một sự tồn tại sinh học nên tôi rất mê Internet và thích vào mạng để có thể giao cảm với mọi người, hy vọng luôn cảm thấu được các năng lương tinh thần tươi mới. Khi tự biết mình sẽ chỉ làm được gì trong cuộc đời này là tôi lên kế hoạch. Sống là phải thức trong từng khoảnh khắc. Thức trong từng khoảnh khắc để biết cái gì phải làm ngay và cái gì phải làm từ từ. Sau khi rời nước, tôi luôn muốn in được sách của mình tại Việt Nam. Từ năm 2003, do những người bạn cũ và cơ chế khá thông thoáng của đời sống xuất bản trong nước đã làm cho ý định in sách ở Hà Nội của tôi trở thành hiện thực. Tại sao làm nhiều thứ như thế ư ? Tôi thì vẫn thấy mình vẫn còn làm được quá ít. Cảm ơn đánh giá của bạn. Làm nhiều thứ ư? Hình như đó cũng là một cách để thoát khỏi cô đơn và tự cảm thấy mình không vô tích sự…
Lê Thị Huệ: Bạn có bao giờ chú ý đến việc người Việt ở Đức sáng tác khác với người Việt ở Mỹ, hay ở Úc chẳng hạn.
Thế Dũng: Đương nhiên là người Việt ở Đức sáng tác khác với người Việt ở Mỹ hoặc người Việt ở Úc rồi. Đất nào cây ấy mà. Thú thực tôi chưa có thời gian chú ý đến sự khác nhau đó với đôi mắt khảo cứu. Đây sẽ là một chủ đề hấp dẫn của các nhà nghiên cứu văn chương di cư, văn chương hải ngoại.
Lê Thị Huệ: Câu này hơi đặc biệt. Vì sự lặp lại của nó. Tôi đã đặt câu hỏi với nhà văn Hồ Đình Nghiêm, một nhà văn gốc Huế, sau 1975 đã vượt biển – hay còn gọi là “vượt biên” - và tỵ nạn chính trị ở Montreal Canada. Anh là nhà văn gốc Hải Dương sang lao động ở Đông Đức, vì biến cố Bức Tường Bá Linh Cộng Sản sụp đổ mà ở lại Berlin. Tư thế của anh là nhà văn ra đi từ miền Bắc, khác với nhà văn Hồ Đình Nghiêm ra đi từ Miền Nam, sau chiến tranh Nam Bắc Quốc Cọng 1954-1975. Một gặp gỡ thú vị là cả hai cùng đang trưng bày các sáng tác trên Gió O vào thời điểm www.gio-o.com kỷ niệm lên Mười 2001-2011
Tôi thích gọi tôi là "Nhà Văn Hải Ngoại", vì sự ra đời của từ này gắn liền với tư thế từ chối chủ nghĩa Cộng Sản của những người ty nạn chính trị ra khỏi Việt Nam năm 1975. Và vì thế từ đó mới có từ "Nhà Văn Hải Ngoai" . Tôi yêu kỷ niệm với sự chào đời này, nên thích nhận mình là "Nhà Văn Hải Ngoại". Hơn là "Nhà Văn Lưu Vong" (người ta có thể Lưu Vong ở ngay chính trên Quê Hương của họ). Hoặc là "Nhà Văn Di Dân", từ Nhà Văn Di Dân nghe không hách xì xằng, không mang một thái độ chính trị mãnh liệt, gấu, như Hải Ngoại. Trong cái mớ bùng xùng tôi vừa kể, anh gọi tên anh là gì ?.
Thế Dũng: Khi chưa rời Việt Nam, với tôi, danh xưng “nhà văn Hải ngoại” gắn liền với các khái niệm lao khổ và can đảm vì tôi đã đọc được khá nhiều nhà văn miền Nam qua tủ sách tham khảo đặc biệt ở Thư viện Quân đội. Sau khi tới Berlin, đọc thêm nhiều nữa, tôi thấy danh xưng nhà văn Hải ngoại chỉ thuần túy là một cách khu biệt đất sống của người cầm bút. Tôi cũng không thích được (hoặc bị) gọi là nhà văn lưu vong mặc dù từ những năm 80 của thế kỷ trước, khi chưa rời khỏi Việt Nam, tôi đã thấy tôi là kẻ lưu vong ngay trên quê hương. Dù ở đâu và bao giờ thì lưu vong cũng là một nỗi đau. Tôi cũng không thích được hoặc bị gọi là nhà văn di dân hoặc nhà văn di cư mặc dù với thân phận nhà văn thì di cư chính là một định mệnh; mà hạnh phúc hình như lại là sự an cư. Lúc ngoài hai mươi, bố tôi đã từng là Đảng viên Đảng Lao đông Việt Nam. Khi mười tám tuổi, tôi đã từng ao ước trở thành Đảng viên và luôn luôn là đối tượng cảm tình Đảng. Thế rồi, chợt một chiều tóc trắng như vôi. Tôi thấy mình bị vỡ mộng. Thế rồi, chợt một chiều, tôi thấy mình tan hoang trước các thần tượng sụp đổ ngổn ngang và chợt bị mê hoặc với hiện sinh và huyền học. Trước khi nhắm mắt vào tháng Chạp năm Bính Dần (1986), bố tôi rất buồn khi tôi an ủi ông. Bố yên tâm đi, không trở thành Đảng viên con vẫn có thể làm người tử tế. Lúc đó, tôi đã nhận ra mình chỉ có thể sống cuộc đời của một kẻ không đảng phái. Bạn bè của tôi nhiều người Đảng viên, thậm chí có người nghiện Đảng viên như nghiện thuốc phiện, như nghiện một thời trang và cũng nhiều người không ưa Cộng sản. Tôi thích được liên minh với sự tử tế và minh triết ở tất cả; dù người ấy là Cộng sản hay không. Tôi không có duyên với các đảng phái vì con người tự do cá nhân bất kham trong tôi không ưa sự áp chế và ràng buộc nào ngoài sự ràng buộc và áp chế của tự nhiên. Tôi thán phục tinh thần Tam giáo đồng nguyên trong mấy đời vua thịnh trị nhất của nhà Trần. May mà, sớm biết ngưỡng mộ lý thuyết Về sự tương tác giữa các trường thống nhất trong vũ trụ của Alberl Einstein và sớm bị mê hoặc bởi sự biến hóa khôn lường của Kinh Dịch; cho nên, dù lăn lóc giữa cuồng phong thời thế tôi vẫn luôn luôn tự biết tu thân dưỡng tính để tự tái tạo phận mình. Tôi cũng thuộc vào loại được (hoặc bị) gọi là nhà văn hải ngoại vì đã có hộ khẩu Berlin từ hơn hai mươi hai năm nay. Tự nguyện tới Đông Đức theo một hợp đồng xuất khẩu lao động năm năm giữa hai nhà nước xã hội chủ nghĩa, sự xuất ngoại của tôi không có gì là hiển hách. Không tới nước Đức trong tư thế từ chối chủ nghĩa cộng sản của những người tỵ nạn chính trị ra khỏi Việt Nam năm 1975, không ở lại CHLB Đức theo quy chế tỵ nạn chính trị, nên tôi không có tự cảm gì về cái gọi là mãnh liệt hoặc gấu trong danh xưng “nhà văn hải ngoại“. Tháng 5 Năm 1990, tôi đã từ chối sự bồi thường 3000DM và vé hồi hương của CHDC Đức để trước hết ở lại nước Đức cho đủ năm năm ( 1989-1994) cái Hợp đồng đã bị phá vỡ vì sự sụp đổ của Đông Âu. Sau đó, tôi đã tận dụng Quy chế về quyền được ở lại của những người Việt Nam đã tới Đông Đức theo Hợp đồng xuất khẩu lao động để ở lại CHLB Đức theo Luật dành cho Ngoại kiều. Do đó, tôi không có hoài cảm gì để thích thú khi được gọi (hoặc khi tự gọi mình) là nhà văn Hải ngoại với tư thế từ chối chủ nghĩa Cộng sản một cách hiên ngang. Trong hồi ức, tôi vẫn có rất nhiều hình ảnh người Cộng sản tử tế, tài ba. Dù đau đớn, tôi vẫn thường xuyên phải giã biệt chính mình. Năm 1980, Luận văn tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội I với nhan đề:Hình tượng Bà Bovary và sự vỡ mộng của văn chương Pháp trong thế kỷ 19 của tôi được cô giáo Thái Thu Lan cho điểm 9/10. Không có khả năng tự đảo chính sự tồi tệ của chính mình thì tôi không thể trở thành người khác tử tế hơn. Không thể tự lật đổ sự kém cỏi của bản thân mình thì tôi không thể trở thành tôi đích thực.
Ngẫm lại hóa ra nhiều năm nay, trong tâm thế vỡ mộng, tôi đã lặng lẽ cách xa với chính quyền ở Hà Nội. Sự biệt ly này thoạt tiên giống hệt như sự kết thúc tự nguyện của một cuộc tình đầu không có giấy giá thú với lý do tính tình không hợp. Sau đó là sự ly biệt điềm nhiên trong thái độ từ chối một sản phẩm tinh thần đã quá hạn sử dụng. Với tôi, sự từ chối chủ thuyết này để tiếp nhận một chủ thuyết khác luôn luôn là sự phát triển nội tại tất yếu của một bản thể thường xuyên hoài nghi để khám phá. Vì thế, tôi rất trân trọng niềm hứng thú với danh xưng nhà văn Hải ngoại trong tâm thế hoài cảm của bạn. Còn tôi, trong tâm thế vị lai tôi chỉ thích tự gọi mình là nhà văn Việt Nam. Nhưng bỗng nhiên, có ai đó gọi tôi là nhà văn hải ngoại hay nhà văn lưu vong, hoặc nhà văn di cư tôi thấy cũng không sao.
Lê Thị Huệ: Sống đa phương, viết đa loại như Thế Dũng, cũng là người hơi bị hiếm. Đời sống thật và thế giới sáng tác, hỏi bạn thế giới nào mạnh hơn vậy ?
Thế Dũng: Với tôi đời sống thật luôn luôn mạnh hơn. Luôn luôn là sức mạnh sinh thành ra thế giới sáng tác. Thật tuyệt vời nếu được sống như mình muốn và như mình thích. Muốn gì thì gì, trước hết vẫn cứ phải sống thật hết mình, thật đã đời. Dù thành hay bại cũng cứ phải sống cho tới bờ tới bến. Hạnh phúc hay bất hạnh thì vẫn cứ sống một cách điềm nhiên và mãnh liệt. Chưa yêu chưa sống hết mình thì đừng vội lo những hoa hồng tan nát có thành thơ hay không ? Sống cái đã. Sau đó mới là sự sống lại một lần nữa bằng ngòi bút phục hiện chân tướng sự thật. Thế giới sáng tác có lẽ chính là sự phục sinh của đời sống thật. Kẻ dám sống có thể không muốn hoặc không thèm viết. Nhưng ai không dám sống thì …chắc là sẽ không dám viết.
Lê Thị Huệ: Bạn về Hà Nội thường xuyên, giữa xa và gần, bạn thấy mình gần với các cây viết trong nước ở những điểm nào, và xa với họ ở những điểm nào ?
Thế Dũng: Từ năm 2001 đến nay, tôi hay về Hà Nội. Nên đã có dịp gặp lại một số nhà văn là người quen cũ như: Hoàng Nhuận Cầm, Nguyễn Sĩ Đại, Phạm Xuân Nguyên,Nguyễn Thụy Kha ,Vân Long, Nguyễn Trọng Tạo, Hữu Thỉnh, Lê Lựu, Anh Ngọc, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Huy Thiệp, Hoàng Ngọc Hiến, Đỗ Minh Tuấn, Nguyễn Đức Quang, Cao Xuân Sơn, Nguyễn Linh Khiếu, Phạm Tường Vân, Đặng Huy Giang, Hồng Thanh Quang, Đinh Quang Tốn, Phạm Khải, Thùy Linh,Thùy Dương, Văn Duy, Nguyễn Duy, Châu Diên (tức Phạm Toàn), Đoàn Lê, Đăng Nhật Minh, Nguyễn Phan Hách, Trần Nhương,Trung Trung Đỉnh, Vũ Xuân Hoát…Ngoài ra, tôi còn có dịp gặp gỡ với Bằng Việt, Đoàn Tử Huyến, Lê Minh Khuê, Trần Thị Trường, Nguyễn Đạt, Nguyễn Việt Hà, Thành Chương, Nguyễn Việt Chiến, Đỗ Bạch Mai, Vân Đình Hùng, Nguyễn Thị Anh Thư, Đà Linh, Nguyễn Khắc Trường, Hoàng Minh Tường, Đỗ Hoàng Diệu, Lê Anh Hoài, Đặng Thân, Phùng Văn Khai, Phan Huyền Thư, Thanh Xuân, ..v..v… Với những người quen cũ sự gần là những kỷ niệm đầy gian khó với phố phường Hà Nội thời chữ nghĩa bao cấp. Những người trẻ và tôi thì gần nhau trong sự âm thầm bứt phá, để tìm kiếm một lối viết táo bạo. Họ cũng như tôi, cũng luôn luôn khao khát tự do thông tin, tự do ngôn luận. Chẳng hạn, ngày 14-08-2006, cùng một số bè bạn, tôi đã tổ chức thành công một „Đêm Bia Đức và thơ tình của Bertolt Brecht (1898-1956)“ , nhân kỷ niệm 50 năm ngày mất của ông(1956-2006) tại Nhà hàng Sư Tử ở 96 Thái Thịnh Hà Nội. Hôm đó thật vui vì tôi là MC và có tới bảy tám chục văn nghệ sĩ ở Hà Nội đã tới dự. Giáo sư Đình Quang, giáo sư Hoàng Ngọc Hiến, dịch giả Quang Chiến, nhà thơ Bằng Việt, đã phát biểu tham luận rất chuyên nghiệp về sân khấu, về thơ của Bertolt Brecht. Chàng Tiến sĩ Toán người Đức, chồng cũ của vợ tôi cũng tham luận và cho rằng những người tình của B. Recht đều xấu gái đã làm mọi các bạn tôi ngạc nhiên cười thú vị. Tôi nghiệm ra, trong những lúc nhấp chén men vui với nhau như thế, chúng tôi ít khi nhận ra sự xa cách.Nhưng trong những tình huống liên quan đến việc xử lý nghiêm ngặt những bản thảo “hải ngoại“ thì tôi chợt nhận ra giữa tôi và những người quen cũ có những khoảng cách của cơ chế. Năm 2006, tờ Nguyệt San Người Hà Nội, vì đã in thơ và bài của nhà thơ Viên Linh (do tôi tùy hứng tự chọn và gửi) trong 2 số liền nên đã chỉ ra được tới số thứ năm thì nhóm chủ trương phải tự đình bản. Sau này, tôi được nghe nói là việc đình bản không chỉ vì lý do tài chính mà còn vì Tổng biên tập Nguyệt san đã „được“ Ban văn hóa văn nghệ trung ương nhắc nhở về vụ in bài của hải ngoại.
Hoặc tháng 06 năm 2010, nghe một người bạn văn, đang là Phó Tổng biên tập của An Ninh Thế Giới, kêu ầm lên ở đầu dây bên kia. Cảm ơn anh. Em đọc rồi, được lắm. Nhưng sách của anh, có cả phỏng vấn Vũ Thư Hiên và phỏng vấn Viên Linh thì báo Công An không giới thiệu được đâu.
Không sao, công an đọc được là tốt rồi.
Tôi đùa cợt vu vơ sảng khoái vì bỗng dưng nhận ra một khoảng trống mặc nhiên giữa hai kẻ một thời đã từng nhiều phen rưng rức với thơ và rượu. Tháng bảy năm 2010, sau khi cuốn Tùy bút và Đối thoại Văn chương Bên Dòng Sông Tình Sử đã in xong, nhà văn Đà Linh, người đại diện bản thảo cuốn sách đã nhắn tin cho tôi đại ý: An ninh văn hóa đã tới làm việc rất nhiều lần với Giám đốc nhà xuất bản Lao Động. Tuy nhiên, mọi lăn tăn của họ đều được giải trình. Có Giám định nội dung, có giấy phép của Cục xuất bản. Mọi việc đều đã được làm đúng Luật. Tuy nhiên, cuối cùng họ đã yêu cầu: Dù tác giả là người rất tâm huyết nhưng đề nghị cấm tái bản cuốn này.“
Tóm lại, với các cây bút ở Hà Nội tuy nhiều gần gũi trong những tâm huyết bút mực nhưng cũng hơi xa vì họ thuộc về những Chi ủy, những cơ quan mà tôi không thuộc về…
Lê Thị Huệ: Bạn có nhận xét gì về thế giới Internet hiện nay và tiếng Việt viết bởi những người sống xa Việt Nam như chúng ta.
Thế Dũng: Với tôi thế giới Internet hiện nay là một phép lạ thường ngày. Nhờ nó mà thế giới tinh thần của con người vốn cô đơn trôi nổi một cách mênh mang có nhiều cơ may tìm ra được sự liên thông tương tác có ý nghĩa an ủi, tiếp sức và giải cứu cho nhau một cách khá hữu hiệu.
Thế giới Internet là nguồn tri thức đa dạng, lớn lao mà chúng ta có thể tận dụng một cách chọn lọc để trí tuệ của mình có thể phát triển một cách tự do, tự chủ với một gia tốc lạc quan. Thế giới mạng của người Việt ở trong nước và ở hải ngoại hiện nay khá sinh động và mẫn cảm. Nó đang chứa một sức mạnh bất khuất trước các mưu toan bịt mồm bịt miệng cả thường dân lẫn trí thức để bưng bít thông tin và đàn áp tự do dân chủ của các đầu óc độc tài.
Sống xa Việt Nam, nhưng chúng ta lại luôn viết bằng tiếng Việt. Tôi luôn luôn là kẻ hành hương bàng hoàng trong lục địa Việt ngữ. Tâm hồn tôi như một cánh buồm luôn trôi nổi trong những sóng gió của ngữ pháp Việt. Tưởng như thần hồn chúng ta luôn định cư trong hệ ngữ âm của tiếng mẹ đẻ nhưng thực ra không hẳn chỉ có vậy. Ai đó biết tiếng Mỹ và chỉ viết tiếng Việt tại Mỹ như bạn ? Ai đó vì tiếng Đức ú ớ mà chỉ viết tiếng Việt tại Đức như tôi ? Dù muốn hay không, năm này qua năm khác, câu văn tiếng Việt của chúng ta rồi cũng sẽ không còn như ngày nảo ngày nào. Cả ý cú lẫn pháp cú tiếng Việt của người Việt ở Mỹ cũng như của người Việt ở Đức rồi đây sẽ rất khác. Cái khác lạ rất dễ nhận ra là tốc độ của câu chữ. Là tốc độ của đời sống di chuyển từ câu văn này sang câu văn khác.
Chữ nghĩa của những người viết tiếng Việt ở ngoài lãnh thổ Việt Nam, ở trong những thể chế khác nhau, những nhịp sống khác nhau sẽ có một tốc độ khác nhau, một nhạc tính khác nhau. Nhưng cũng không nên quên rằng, ngay ở trong nước bây giờ đã có hơn một thế hệ người Việt trẻ khá giỏi ngoại ngữ. Đó chính là tiềm năng, là nội lực khả biến, là động lực phát triển của tiếng Việt mà cả tôi lẫn bạn đều có cơ hội tiếp nhận. Và cũng không thể không thấp thỏm lo âu, liệu lớp con cháu của tôi và bạn ở nước ngoài có thể viết văn bằng tiếng Việt hay không ?
Lê Thị Huệ: Làm ơn phát biểu một điều gì đó về Gió O Mười Năm
Thế Dũng: Trước hết, làm ơn cho tôi cảm ơn vì bạn đã có nhã ý để tôi có dịp phát biểu về gió-o Mười năm.Tuy nhiên tôi lại thích nói nhiều hơn một điều gì đó.
Thứ nhất là về bạn và về Gió-o. Vừa sống trong tư thế một nhà văn, một Thạc sĩ Tâm lý học ở cương vị giáo sư tại một Đại học ở Mỹ; mà vừa điều hành được một gio-o mười năm lừng lững như vậy là rất gấu; rất mãnh liệt. Trong tư cách chủ biên, bạn đã độc lập, tự chủ trong việc biên tập và duy trì các thể loại, chủ đề trong một cấu trúc lập thể với một phẩm lượng thường xuyên được lựa chọn nghiêm túc và tinh tế. www.gió-o.com vừa có cái để đọc, để nhìn vừa có cái để nghe, để suy ngẫm trên diện rộng của cả thực ngôn, ảo ngôn lẫn thực âm, mỹ ảnh và cả trong chiều sâu của từng chân dung tác giả đã được chắt lọc và phát hiện. Có lẽ vì thế mà sau mười năm, gio-o đã không chỉ là một địa chỉ quen thuộc và tin cậy của các nhà văn hải ngoại mà còn trở thành nơi thành danh, nơi ký thác của nhiều cây bút ở trong nước. Bạn và Gió-o Mười năm là một kỳ tích.
Thứ hai là về tôi và Gió-o.
Thoạt đầu, tôi để ý đến www.gio-o.com và sẵn sàng cộng tác vô điều kiện là vì biết chủ biên là tác giả của cuốn:“ Văn hóa trì trệ, nhìn từ Hà Nội đầu thế kỷ 21“. Gió-o đã mười năm, nhưng tôi mới chỉ gắn bó với gió-o chừng năm năm. Theo Bát tự Hà Đồ - Lạc Thư, mệnh số của tôi có quẻ Hậu thiên là Thiên Phong Cấu. Thiên Phong Cấu là Càn ở trên Tốn. Tượng của quẻ này là Gió đi dưới Trời. Tôi đã và đang sống như một cơn gió đi dưới trời. Chẳng cần hỏi vì sao người lại đặt tên là Gió-o. Linh tính mách bảo: đây là đất lành. Thế là tôi ghé qua, rồi đậu lại và cũng vi vu cùng Gió. Nhờ www.gio-o.com mà tôi có thêm người quen mà tâm tư. Nhờ gió-o mà có lần tôi gặp lại bạn ở Trường Sơn năm xưa. Tử vi tôi có sao Thiên Đồng và Thái Âm cư mệnh. Chủ biên gió-o là nữ sĩ họ Lê. Rõ ràng sự gặp gỡ của tôi và gió-o là do cơ duyên.
Thứ ba là về ngày mai.
Chắc là bạn cũng đã thấy cú đạp thẳng từ trên cao của Đại úy an ninh Nguyễn Văn Minh vào khuôn mặt đang nằm ngửa của người biểu tình yêu nước Nguyễn Trí Đức ( ngày 17.07.2011) trong khi anh đang bị bốn cảnh sát túm chặt bốn vó để khiêng lên xe Buýt như khiêng một con thú giữa lòng phố Hà Nội ?
Chắc bạn đã biết mười năm qua ở Việt Nam ngoài Lê Chí Quang, Lê Công Định, Nguyễn Văn Lý, Lê Thị Công Nhân, Trần Khải Thanh Thủy, Vi Đức Hồi… đã có bao nhiêu Luật sư, Luật gia và bao nhiêu người cầm bút như Bloger Mẹ Nấm ( Nguyễn Ngọc Như Quỳnh), như Phạm Thanh Nghiên, như Bloger Điếu Cày ( Nguyễn Văn Hải) đã bị chế độ Cộng sản Hà Nội bỏ tù ?
Chắc bạn đã biết, mới đây trong phiên xử Phúc thẩm ngày 02.08.2011, Đảng Cộng Sản Việt Nam vẫn Y ÁN bảy năm tù trong, ba năm tù ngoài cho Luật gia Cù Huy Hà Vũ bất chấp mọi khuyến cáo của Mỹ, của Liên minh Châu Âu, của hàng hàng ngàn trí thức Việt Nam và của Tổ chức Nhân quyền quốc tế ?
Mới đây, gió –o đăng bài thơ Một ngày thèm nghe đả đảo của Lê Thị Huệ . Bài thơ mà bạn viết tại Hà Nội từ mùa hè năm 1996. Lúc ấy bạn chợt tự ngộ: Thì ra tôi thèm nghe một Tiếng Kèn Cách Mạng ngay lòng phố Hà Nội.Thèm nhìn đám đông xuống đường biểu tình để xóa tan đi bóng dáng trì trệ, đấm vào sự ngu si đần độn, của thủ đô. Và bạn đã viết tiếp như một trần tình: Bây giờ là mùa hè năm 2011, một bản tin vừa loan cuộc biểu tình ở Hà Nội đã qua tuần thứ Tám… Tôi đang chờ Hà Nội có những đám đông tám vạn hay tám chục ngàn người xuống đường. Tôi chờ đợi những cơn điên cần thiết…
Chắc chắn là vì bạn đã…Tình cờ thấy được một tấm ảnh có người đàn ông thổi kèn trong đám đông biểu tình ở Hà Nội vào tuần lễ 24 tháng 07 năm 2011 mà tôi được đọc lại bài thơ “Một ngày thèm nghe đả đảo” trên gió-o. Dự cảm từ Hà Nội - mùa hè 1996 của bạn đã không sai.
Ngày mai gió-o sẽ ra sao ?
Năm 2002, sau khi khởi sự gió-o, bạn bắt bắt đầu một chu kỳ sống mới.
Năm 2011, sau gió –o mười năm, một chu kỳ sống mới của bạn lại đã bắt đầu.
Ngày mai gió-o sẽ ra sao ?
Câu hỏi này dường như chẳng nói lên một điều gì đó về Gió-O Mười năm. Bạn không cần trả lời.
Như gió đi dưới trời chúng ta đã gặp nhau.
Gió đi dưới trời bỗng dưng có thể trở thành những cơn lốc
Gió đi dưới trời bỗng dưng có thể trở thành sóng lừng
Tôi vẫn tin, đời sống thường xuyên tự thay hình đổi dạng, tự biến hóa đời đời.
Tôi vẫn tin, bản chất của con người là không bao giờ chịu khuất phục trước những con thú.
Gió đi dưới trời bỗng dưng có thể trở thành những cơn bão.
Lê Thị Huệ: Cảm ơn nhà văn Thế Dũng
- thực hiện: Lê Thị Huệ
Thế Dũng sống sót trở về viết như chưa bao giờ được viết
Tiện ích
Phông chữ
- Font Size
- Default
- Chế độ đọc