Trước đó tôi không bao giờ nghĩ đến chuyện sẽ có lúc gặp ông. Trước đó tôi đã xem vài bộ phim của ông và biết ông là một đạo diễn phim có tài, thuộc loại hàng đầu của đất nước mà nền điện ảnh được xếp hạng cũng xấp xỉ như nền kinh tế. Chẳng ngạc nhiên khi biết dân nước ấy không hề có thói quen đến rạp chiếu bóng. Bước sang thế kỷ 21, số lượng các rạp chiếu phim tuy có tăng lên, nhưng các đầu phim được chiếu vẫn chỉ là phim ăn khách của Mỹ và người đi xem chủ yếu là các cô cậu choai choai thông thạo tên tuổi những ngôi sao điện ảnh Mỹ còn hơn tên các danh nhân, anh hùng nước nhà. Ấy vậy mà ông vẫn là một tên tuổi và khi nói đến các bộ phim của ông tịnh chưa thấy một lời chê.
Tôi nghe nói đến cuốn phim truyện gần đây nhất của ông cách đây khoảng gần một năm. Cũng nhờ Facebook. Thấy mấy người bạn bên Budapest – Hungary khen ngợi bộ phim tôi đâm ra tò mò, ngỏ ý cũng muốn được xem phim này. Vài sự liên lạc đã dẫn dắt dịp may đến cho tôi. Và buổi chiếu phim được thực hiện, với sự có mặt của ông.
Trước khi xem phim, tôi đã nghe về những lời ngợi khen được bày tỏ rất đúng mực, về những giọt nước mắt cảm động một cách thành thực, nó khiến tôi tuy tò mò nhưng vẫn vương một chút hoài nghi. Ngoài ra tôi không thích tên bộ phim. Tại sao lại chỉ đơn giản là „Đừng đốt“ thôi? Một từ thể mệnh lệnh yêu cầu có vẻ chẳng thích hợp cho lắm với một bộ phim về đề tài như thế. Nhật ký của một người con gái quả cảm, giàu cảm xúc, đã bỏ mình nơi chiến trường ác liệt chứa đựng nhiều điều hơn rất nhiều lời can ngăn của anh trung sĩ Việt nam cộng hòa kia, cho dù vì câu nói đó mà cuốn nhật ký còn tồn tại và người ta biết đến nó.
Cuốn nhật ký trở thành một hiện tượng, 35 năm sau ngày người chủ của nó ngã xuống và nó đáng lẽ tan thành tro nếu không có lời can ngăn „Đừng đốt!“ Cuốn nhật ký và những câu chuyện xung quanh nó bỗng biến thành một câu chuyện cổ tích huyền thoại, dù hoàn cảnh tạo nên nó khác xa một trời một vực với những gì mang dấu ấn cổ tích. Nó có một số phận đặc biệt, và chuyên chở nhiều số phận theo mình. Không là hiện tượng đặc biệt sao được khi mà vào cái thời nó ra mắt đám đông, chẳng kẻ nào dám đưa từ „lý tưởng“ thật ra chỉ còn trong từ điển và các loại sách giáo khoa chính trị lên môi. Cả xã hội đâm đầu vào kiếm tiền và chỉ tồn tại một loại anh hùng là các đại gia sánh vai cùng chân dài. Và sách, người ta có đọc, truyện tranh nước ngoài cho thiếu nhi và truyện tình ái cho nam thanh nữ tú, cả truyện trong nước và truyện dịch. Vậy mà đùng một cái, người ta xôn xao và người ta nhao nhao bàn tán về một quyển nhật ký, về một nữ bác sĩ đã ngã xuống khi còn rất trẻ thời chống Mỹ. Cuốn sách đã lay động trái tim hàng triệu người.
Cũng như cách đó 35 năm, nó đã lay động trái tim những người mà nó (tình cờ) rơi vào tay họ. Nó hẳn cũng đã lay động trái tim ông, bởi nếu không thế thì một người rất khó tính với kịch bản như ông và không bao giờ buông mình theo trào lưu có khi nào chuyển nó thành một đứa con tinh thần của mình. Nhưng bộ phim không chỉ dựng lại những điều trong cuốn nhật ký, nó xoay quanh những con người, những số phận liên quan đến cuốn nhật ký này.
Con người ta thật ra vốn dễ xúc động, một cảnh mùi mẫn, một tình huống éo le, một câu chuyện thương tâm trên màn ảnh có thể khiến nhiều bà nhiều cô sụt sịt hay đầm đìa thổn thức. Người ta có thể chảy nước mắt đôi khi vì những gì được xây dựng rất giả tạo trong phim. Nhưng người ta chỉ có thể lặng đi hàng phút sau khi bộ phim kết thúc nếu niềm xúc cảm đã lay tận tâm can.
Và điều ấy đã xảy ra với "Đừng đốt". Không chỉ một lần, không chỉ tại một nơi, không chỉ với một nhóm người nào đó. Tôi đã hỏi ông, làm thế nào ông (biết cách) làm người xem xúc động. Không, ông không thể nào biết được cảnh nào, tình huống nào gây xúc động, vì ông không ngồi đó mà rình xem phản ứng của khán giả được. Ông chỉ có thể làm những điều mà chính ông cảm thấy, một cách thật nhất, những điều đến từ trái tim sẽ đi đến trái tim. Chính ông cũng không hiểu (và có lẽ cũng không chờ đợi) tại sao người ta xem phim này của ông lại khóc nhiều thế, dù là người Nhật, người Mỹ, người Việt hải ngoại hay trong nước.
Tôi thì tôi (hơi) hiểu, sau khi xem phim. Chiến tranh và những sự mất mát đi cùng nó, riêng những điều này thôi đã là nguồn gây xúc động rồi. Nhưng Đặng Nhật Minh không khai thác chiến tranh ở mặt khốc liệt và tàn bạo của nó. Trong phim ông đã giảm nhẹ đi nhiều những cảnh tàn khốc mà cuốn nhật ký có miêu tả. Bởi ông thừa thông minh để hiểu rằng về mặt này ông không thể vượt qua các đồng nghiệp phương Tây, nếu ông làm vậy thì sự tiếp nhận chỉ có thể là „biết rồi khổ lắm nói mãi“ mà thôi. Cái mà ông muốn kể về, cũng là cái làm ông cảm động, chính là tính người, tính người trong hoàn cảnh chiến tranh là nơi nó dễ bị tiêu diệt nhất, và trong hoàn cảnh hòa bình, nơi mà nó dễ bị lãng quên nhất. Và ông kể lại bằng một ngôn ngữ điện ảnh giản dị. Người con gái còn rất trẻ, phải đương đầu với những khó khăn hiểm nguy rõ ràng là quá sức mình. Những lời tâm sự thiết tha và đầy tâm trạng trong nhật ký. Sự ám ảnh đeo bám nơi người lính Mỹ. Nỗi đau không lời của người mẹ. Bài hát trong trẻo đầy lạc quan hướng về tương lai. Vòng bánh xe đạp quay rồi ngừng, khi ánh mắt mở to ngước lên trời xanh lần cuối cùng. Tất cả cứ trở đi trở lại, trộn lẫn và đan xen vào nhau. Tất cả đều từ cuộc đời thật đi thẳng vào màn ảnh. Và còn gì thuyết phục và đi vào trái tim hơn là sự thật cảm động được kể lại bằng hình ảnh bởi một người rất tài năng và có tấm lòng.
Không thấy sáo rỗng một chút nào khi ông nói phương châm làm việc nghệ thuật của ông là hướng về „chân, thiện, mỹ“. Ông nói ra điều ấy một cách giản dị cũng như những thước phim của ông. Và nếu như người ta đã xem những phim ấy, người ta sẽ tin ông ngay lập tức. Càng tin hơn, khi tiếp xúc với ông. Để có những bộ phim rất giản dị và chân thực ấy, ông đã làm việc vô cùng kỹ càng và nghiêm túc, càng không thể thiếu sự say mê. Với ông, giả sử có không làm đạo diễn phim, thì với bất cứ nghề gì, ông cũng muốn làm hết sức mình, sao cho được tốt nhất. Phẩm chất ấy, cùng với năng khiếu, sự thông minh, phải chăng đã tạo nên một Đặng Nhật Minh, một cái tên chắc chắn sẽ vang xa hơn, nếu ở trong một môi trường thuận lợi hơn ông đã từng có.
- Minh Thu Nguyen
LTS: Bài viết thể hiện lối hành văn và quan điểm riêng của tác giả
Đặng Nhật Minh (sinh năm 1938) là đạo diễn nổi tiếng của nền điện ảnh Việt Nam với những bộ phim như Cô gái trên sông, Thương nhớ đồng quê, Mùa ổi... Đặc biệt với phim Bao giờ cho đến tháng Mười được nhiều hãng thông tấn đánh giá là một trong những phim hay nhất châu Á mọi thời đại. Hầu hết các bộ phim do ông làm đạo diễn đã đoạt nhiều giải thưởng tại các liên hoan phim trong và ngoài nước. Ông từng giữ chức vụ tổng thư ký Hội Điện ảnh Việt Nam và được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân. Năm 2007, ông được Nhà nước Việt Nam phong tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh chuyên ngành điện ảnh.
Đặng Nhật Minh sinh ngày 10 tháng 5 năm 1938 tại Huế. Thân phụ ông là bác sĩ Đặng Văn Ngữ nên ông đã có ý định theo học ngành y để nối nghiệp cha. Tuy nhiên ông lại chỉ bắt đầu công việc bằng vai trò biên dịch cho các phim nói tiếng Nga, rồi đến phiên dịch cho các lớp đào tạo điện ảnh của Liên Xô dành cho người Việt. Đến năm 1965, ông bắt đầu làm bộ phim đầu tay, một bộ phim tài liệu về các kĩ sư địa chất.
Năm 2007, ông được Nhà nước Việt Nam phong tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh chuyên ngành điện ảnh. Trước đó, năm 1996, thân phụ ông cũng được truy tặng Giải thưởng này trong lĩnh vực Y học. Đây là trường hợp rất hiếm có cho đến nay của lịch sử giải thưởng cao quý này.
Năm 2009, phim Đừng đốt do ông đạo diễn nói về liệt sĩ Đặng Thùy Trâm công chiếu tại liên hoan phim quốc tế thường niên lần thứ 19 diễn ra ở Fukuoka, Nhật Bản đã đoạt được giải do khán giả bình chọn. Bộ phim này cũng đã được công chiếu vào cuối tháng 4 tại Việt Nam và liên hoan phim quốc tế ASEM tại Hà Nội vào giữa tháng 5.
- Nguồn wikipedia
Chùm ảnh đạo diễn Đặng Nhật Minh giao lưu với khán giả tại München:
- Ảnh Lê Tiến Lực
Tùy bút xung quanh "Đừng đốt" và đạo diễn Đặng Nhật Minh
Tiện ích
Phông chữ
- Font Size
- Default
- Chế độ đọc