Từ lúc được sinh ra, vội vã lớn lên thành thiếu nữ, thời thiếu nữ tươi đẹp vội vã trôi qua thật mau để tiếp đến một cuộc đời đầy trách nhiệm và lo toan của những công việc vô cùng khó khăn đó là làm vợ, làm mẹ, làm bà dài đằng đẵng cho đến khi nhắm mắt xuôi tay. Người đàn ông cũng có cái lo toan riêng, có những đau đớn riêng mang tính đàn ông, nhưng nếu đem ra so sánh với những lo toan và nỗi đau của người đàn bà thật chẳng thấm vào đâu.
Lần đầu tiên của người đàn ông mang lại sự sung sướng nhưng của người đàn bà chỉ mang sự đau đớn. Để sinh cho người đàn ông giọt máu của chính họ thì người đàn bà phải chịu biết bao nhiêu khổ cực trong chín tháng mười ngày mang nặng đẻ đau. Ngày ngày tháng tháng ngoài việc lo cho chồng cho con ăn đủ no, mặc đủ ấm còn chưa đủ, người đàn bà còn phải làm cho họ hạnh phúc. Nếu không sống trong những bức tường ấy chỉ là những con người vô nghĩa.
Tôi được sinh ra trong một gia đình có truyền thống như vậy, khi bắt đầu lớn lên tôi thấy tất cả những người đàn bà xung quanh mình phải chịu đựng đau khổ và thiệt thòi. Từ cụ bà, bà nội, các dì, các mợ, các thím, các cô, cho đến người đàn bà sinh ra và nuôi dưỡng mình. Để viết về họ có lẽ tôi viết cả đời mình cũng không thể hết, mỗi người có một nỗi khổ riêng nhưng họ sống rất bình thản như chẳng có việc gì xảy ra trong cuộc đời. Tựu chung họ đều có một điểm giống nhau đó là sự chịu đựng, đến mức nó trở nên bình thường hơn cả bình thường.
Bà nội tôi thui thủi một mình sống cả đời và hy sinh cả đời cho gần chục đứa con mà chưa một lần nhận được tiếng yêu thương từ ông nội vì trước đây ông bà bị ép lấy nhau. Đôi khi tôi tự hỏi sự hy sinh ấy có đáng không?
Mợ tôi cả đời cung cúc phục tùng đến bạc đầu ông chồng cả ngày lẫn đêm ngồi trên chiếu bạc và hai đứa con dị tật mà không dám hé răng nửa lời.
Cô tôi chỉ hơn tôi gần chục tuổi, chồng cô đã giải thoát cho cô bằng cách treo mình bằng một sợi giây sau khi hành hạ cô với những cơn nghiện khủng khiếp. Tôi hỏi cô rằng sao cô không lấy chồng đi ở vậy một mình nuôi con cực khổ lắm. Cô cười nói với tôi: Tao ở vậy cho đàn ông nó thèm. Tôi biết người đàn bà trong cô vẫn mang nặng sự sợ hãi đối với đàn ông, đối với cô đàn ông chỉ là sinh vật mang lại cho côsự khổ đau cả về tinh thần lẫn thể xác mà thôi.
Tôi thật sự khinh thường những người đàn ông chỉ biết làm tình và làm cho đàn bà khổ.
Tôi hỏi mẹ tôi, tại sao bà giỏi chịu đựng sự hà khắc và cay nghiệt của nhà chồng đến thế, bà trả lời: Đàn bà ai cũng vậy. Vậy nghĩa là sao? Nghĩa là nhịn nhục, nhịn nhục và nhịn nhục?
Trước đây mỗi lần nhìn vào những mảnh đời ấy tôi vừa thấy thương vừa thấy sợ, tôi thương những người đàn bà của tôi, tôi sợ cho bản thânmình vì bản thân tôi rồi cũng sẽ phải lớn lên và cũng phải trở thành một trong những cái bóng ấy. Tôi thấy làm đàn bà sao mà khổ thế.
Khi tôi lớn lên điều đầu tiên tôi học được đó là câu tục ngữ „một điều nhịn, chín điều lành“ trong tất cả mối quan hệ. Tôi nhịn nhiều đến nỗi trở thành một khối u lỳ, không cảm xúc, có đôi lúc tôi muốn tung hê tất cả thì tôi lại phải ôm vào lòng vuốt ve và gặm nhấm một mình. Mẹ bảo làm đàn bà thì phải chịu hy sinh, nhưng đến một ngày tôi chợt nhận ra sự hy sinh của mình thật ngu xuẩn, đồng thời tôi cũng nhận ra tất cả những người đàn bà xung quanh tôi đều nhẫn nhịn chịu đựng một cách ngu xuẩn. Họ không dám, đúng, chính xác là không dám đi ngược lại số phận để tìm cho mình một hạnh phúc riêng, họ sống vì người khác nhiều hơn vì bản thân mình. Đôi lúc tôi cũng thấy giận họ vì sự hy sinh mù quáng ấy, nhưng xét cho cùng đó là bản năng gốc của người đàn bà mà thôi.
Bây giờ tôi đã làm vợ, làm mẹ tôi hiểu thêm được phần nào những công việc trong hành trình của một người đàn bà. Tôi không trách cứ, không xót thương cho các thím, các mợ, các cô tôi nữa mà tôi đồng cảm với những suy nghĩ của họ. Bởi tôi biết để làm được đàn bà không dễ dàng, điều đó được đánh giá bằng cả cuộc đời, bởi tôi biết sự hy sinh của mỗi người đàn bà được trân trọng như thế nào, điều quan trọng hơn nhất tôi biết được đó là mỗi người đàn bà đều mong muốn đem lại hạnh phúc cho người họ yêu thương.